Công văn 1188/QLCL-TTPC năm 2014 hướng dẫn thực hiện tiếp nhận phản ánh kiến nghị do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành

Số hiệu 1188/QLCL-TTPC
Ngày ban hành 04/07/2014
Ngày có hiệu lực 04/07/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Lê Bá Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THUỶ SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1188/QLCL-TTPC
V/v hướng dẫn thực hiện tiếp nhận PAKN

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các phòng cơ quan Cục;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Cục,

Theo báo cáo của các phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc Cục về tình hình kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính 6 tháng đầu năm 2014, số liệu về tình hình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo (Biểu số 06a/BTP/KSTT/KTTH) không phản ánh thực trạng việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính (qua tổng hợp các câu hỏi và trả lời hỏi đáp pháp luật Cục vẫn thực hiện định kỳ, báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề thực tế có nhiều phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản).

Để thực hiện đúng quy định về tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Cục hướng dẫn bổ sung và yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng về nội dung phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính như sau:

1. Lãnh đạo đơn vị và các cán bộ liên quan cần nghiên cứu để nắm vững hệ thống các văn bản có liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị:

a) Nghị định 20/2008/NĐ-CP Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

b) Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

c) Quyết định 224/QĐ-QLCL ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Cục ban hành Quy định tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính và các vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản;

d) Thông tư 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính;

e) Văn bản số 323 /QLCL-TTPC ngày 06/3/2014 của Cục về việc thực hiện Thông tư 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp.

2. Thực hiện đúng Biểu mẫu báo cáo:

Kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo thẩm quyền: Biểu số 06a/BTP/KSTT/KTTH; (Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính).

3. Nắm chắc định nghĩa có liên quan để phân loại và xử lý đúng: (được quy định tại Điều 3 Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính):

a) Quy định hành chính là những quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật;

b) Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác;

c) Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước về các nội dung được thể hiện tại điểm b nêu trên và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.

d) Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (Khoản 2 điều 3 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 ngày 24/11/2010).

4. Hình thức phản ánh, kiến nghị:

Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau:

a) Văn bản (công văn; thông qua các báo cáo định kỳ, báo cáo hàng tháng, quý, năm; văn bản phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; văn bản qua email, trực tiếp qua phần hỏi đáp/kiến nghị trên website của Cục).

b) Điện thoại (thực hiện đúng yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 20/2008/NĐ-CP) và được ghi ra phiếu khi tiếp nhận.

c) Phiếu lấy ý kiến (theo từng đợt tổ chức lấy ý kiến).

Bên cạnh đó, nội dung phản ánh, kiến nghị còn có thể được tiếp nhận thông qua các hình thức sau: Hội nghị, hội thảo do Cục, các cơ quan, đơn vị tổ chức; qua trang thông điện tử (email, website).

Lưu ý: Khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị phải có sổ để ghi chép theo dõi theo quy định.

5. Một số ví dụ để phân biệt về hỏi đáp pháp luật; phản ánh; kiến nghị:

a) Ví dụ câu hỏi pháp luật:

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư (Nghị định) B có quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận XYZ, vậy cơ quan (doanh nghiệp) chúng tôi phải gửi hồ sơ đến cơ quan (đơn vị) nào để được cấp giấy chứng nhận về ATTP.

b) Ví dụ về phản ánh:

Tại Điều 8 Thông tư (Nghị định) B quy định thời hạn cấp giấy chứng nhận XYZ là 15 ngày, tuy nhiên quy định này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vì thời gian xử lý hồ sơ quá lâu và không phù hợp với Luật A.

[...]