Công văn 10492/BTC-TCT năm 2015 về tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 10492/BTC-TCT
Ngày ban hành 30/07/2015
Ngày có hiệu lực 30/07/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10492/BTC-TCT
V/v tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2015

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính đã trình Quốc Hội, Chính Phủ ban hành nhiều chính sách về thuế theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành thuế và các đơn vị có liên quan để tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa và xử lý những hành vi vi phạm, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, tình hình hoàn thuế giá trị giá tăng 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số Cục Thuế (Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh,...) đã phát hiện, xử lý đối với một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhá nước, có những thủ đoạn, hành vi gian lận mới để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước. Nhiều Cục Thuế chưa chủ động phát hiện và phòng ngừa những hành vi vi phạm trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế còn hạn chế; tỷ lệ thanh tra, kiểm tra trước và sau hoàn thuế chưa đạt yêu cầu (cụ thể tại phụ lục số 01 kèm theo).

Nhằm đảm bảo toàn ngành thuế thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ là “xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm hoàn đúng quy định của pháp luật, ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định”, đồng thời, đảm bảo thực hiện chi hoàn thuế theo dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2015 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014, Bộ Tài chính yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện:

1. Yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế (danh sách các Cục Thuế chi tiết tại phụ lục số 02 kèm theo): Báo cáo nguyên nhân về việc 6 tháng đầu năm không thực hiện thanh tra, kiểm tra hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra tỷ lệ thấp dưới 10% đối với các quyết định hoàn thuế trước, kiểm tra sau đã ban hành trong 6 tháng đầu năm 2015. Thời hạn gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế là trước ngày 15/8/2015.

2. Thực hiện đúng quy định “hoàn thuế đúng chế độ 100% và đảm bảo ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định”. Đây là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2015 của Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp và của từng phòng/Chi cục Thuế trực thuộc. Thời gian giải quyết hoàn thuế của cơ quan thuế các cấp được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và được tính kể từ ngày cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế đầy đủ, đúng quy định đến ngày cơ quan thuế ban hành Quyết định hoàn thuế hoặc ban hành các thông báo về kết quả giải quyết hoàn (trong trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế không đáp ứng được điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng) và gửi cho người nộp thuế.

Giao cho Tổng cục Thuế thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng của toàn quốc và thực hiện công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế giá trị gia tăng trước ngày 30/10/2015 theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ.

3. Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng trong phạm vi được giao và đảm bảo chi hoàn thuế đúng, kịp thời đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để xuất khẩu có doanh số xuất khẩu đạt từ 5 triệu USD trở lên; các dự án đầu tư trọng điểm của quốc gia; dự án đầu tư mới quan trọng trên địa bàn.

Trường hợp số dư dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng của Cục Thuế không đủ phải có văn bản báo cáo Tổng cục Thuế kịp thời để được xem xét giải quyết.

4. Thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp có rủi ro cao trong quản lý thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng

Cục Thuế, Chi cục Thuế thực hiện việc phân loại, giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, công văn số 875/BTC-TCT ngày 17/01/2015 và công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính.

5. Hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định của Luật Quản lý thuế nhưng thuộc loại có rủi ro cao thì cơ quan Thuế phải thực hiện kiểm tra kỹ hồ sơ, khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, cơ quan thuế phải có văn bản đề nghị người nộp thuế giải trình; hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế, hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, hoặc có dấu hiệu gian lận hoàn thuế thì phải chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, khi đó phải căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra để thực hiện hoàn thuế và đồng chí Cục trưởng Cục Thuế phải chịu trách nhiệm về quyết định hoàn thuế; áp dụng chủ yếu đối với các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp kinh doanh thương mại xuất khẩu có doanh thu lớn hơn nhiều lần so với số vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu (từ 3 lần trở lên); không có cơ sở vật chất (như: kho hàng, phương tiện vận tải, hệ thống các cửa hàng,....) tương ứng quy mô doanh thu.

- Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu không qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

- Doanh nghiệp kinh doanh thương mại mà số thuế GTGT đề nghị hoàn nhỏ hơn hoặc bằng số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa tồn kho.

- Doanh nghiệp có cùng mức thuế suất thuế GTGT đầu vào và đầu ra đề nghị hoàn “trong 12 tháng liên tục trở lên có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết”.

- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động có dự án đầu tư nhưng chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng... liên quan đến dự án; dự án đầu tư trong đó có hạng mục đầu tư không sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, hạng mục đầu tư không trực tiếp sản xuất kinh doanh (trụ sở văn phòng, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, công viên, vườn hoa...); dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp (bao gồm trung tâm thương mại, thuê văn phòng, căn hộ chung cư để bán...).

- Doanh nghiệp thuộc danh sách rủi ro cao của cơ quan Hải quan.

- Doanh nghiệp có giao dịch thanh toán liên quan đến tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ theo danh sách cảnh báo của cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng và thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

- Doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian 24 tháng trở lại tính đến ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, trừ doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

- Doanh nghiệp bên mua và bên bán có quan hệ nhân thân (bố, mẹ, vợ chồng, anh em...), có cùng chủ sở hữu, quan hệ liên kết có dấu hiệu bất thường.

- Lập doanh nghiệp ở địa phương này nhưng kinh doanh mua, bán sản phẩm, hàng hóa sản xuất ở địa phương khác có dấu hiệu bất thường.

- Doanh nghiệp có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước).

6. Thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế:

Cục Thuế, Chi cục Thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra đảm bảo 100% số hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau trong thời hạn 1 năm đối với các trường hợp hướng dẫn tại Khoản 4(a) Điều 58 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính và các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro nêu tại Điểm 5 công văn này.

Tổng cục Thuế tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác hoàn thuế GTGT tại các Cục Thuế. Cục Thuế tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác hoàn thuế GTGT tại các phòng, Chi cục Thuế để đảm bảo công tác hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện đúng, kịp thời, chặt chẽ và đảm bảo cơ quan thuế các cấp triển khai đầy đủ các biện pháp thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng.

7. Không thực hiện hoàn thuế đối với:

- Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu chính, phụ, đường mòn, lối mở biên giới đất liền,... không có hoặc có nhưng không đảm bảo tính phù hợp giữa các chứng từ: hợp đồng xuất khẩu; tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan; hóa đơn xuất khẩu/hóa đơn GTGT; chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa mua vào, hàng hóa xuất khẩu; chứng từ chứng minh về vận tải.

[...]