Công văn 3593/TCT-KK năm 2016 triển khai và giới thiệu nội dung mới của Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 3593/TCT-KK
Ngày ban hành 11/08/2016
Ngày có hiệu lực 11/08/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Nguyễn Đại Trí
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3593/TCT-KK
V/v triển khai và giới thiệu các nội dung mới của Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2016

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 29/6/2016 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/8/2016. Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ các nội dung của Thông tư tới các bộ phận, từng cán bộ có liên quan và tuyên truyền tới NNT trên địa bàn quản lý các nội dung mới của Thông tư số 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT, cụ thể như sau:

I. Những Điểm mới của Thông tư hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT

1. Phạm vi Điều chỉnh (Điều 1)

- Việc quản lý hoàn thuế GTGT của người nộp thuế (NNT) bao gồm: tiếp nhận, giải quyết, kiểm tra, thanh tra hoàn thuế GTGT; quản lý kinh phí dự toán hoàn thuế GTGT; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý hoàn thuế GTGT.

- Việc thực hiện hoàn thuế cho hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính và quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 750/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Nguồn kinh phí thanh toán thuế GTGT đã hoàn trả, được trích cho ngân hàng ủy nhiệm được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

- Việc hoàn trả số tiền thuế GTGT nộp nhầm, nộp thừa không thuộc phạm vi Điều chỉnh của Thông tư này, cụ thể: Thuế GTGT nội địa nộp nhầm, nộp thừa, cơ quan thuế nơi hạch toán Khoản thu thực hiện hoàn trả theo quy định tại Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTC; thuế GTGT nhập khẩu nộp nhầm, nộp thừa, cơ quan hải quan thực hiện hoàn trả theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013. Nguồn kinh phí hoàn trả thuế GTGT nộp nhầm, nộp thừa được thực hiện từ ngân sách nhà nước.

Trước đây: việc quản lý hoàn thuế GTGT của NNT được quy định tại Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế, Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, Thông tư số 150/2013/TT-BTC ngày 29/10/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập, quản lý và thực hiện hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính. Nay đưa vào nội dung hướng dẫn tại Thông tư này các quy định đối với hoàn thuế GTGT để đảm bảo tính tập trung, đầy đủ và có hệ thống.

2. Nguyên tắc quản lý hoàn thuế GTGT (Điều 3)

- Thông tư không quy định mới, chỉ dẫn chiếu các quy định riêng về trường hợp được hoàn thuế, Điều kiện hoàn thuế, việc tiếp nhận và giải quyết hoàn thuế đối với thuế GTGT đã được quy định tại Luật thuế GTGT và Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất.

- Thông tư làm rõ nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT.

- Thông tư làm rõ Mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử trong việc tiếp nhận, giải quyết, quản lý hoàn thuế GTGT giữa cơ quan thuế với NNT và thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hoàn thuế GTGT.

Trước đây: quy định về hoàn thuế GTGT và áp dụng quản lý rủi ro trong việc giải quyết hoàn thuế GTGT được quy định tại Luật, Nghị định, Thông tư, các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, nay đưa nguyên tắc chung vào nội dung Thông tư để thống nhất thực hiện.

3. Kinh phí hoàn thuế GTGT (Điều 4)

Kinh phí hoàn thuế GTGT được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm do Quốc hội quyết định và do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quản lý, Điều hành chi hoàn thuế GTGT trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Cục trưởng Cục Thuế quản lý, sử dụng kinh phí hoàn thuế GTGT để chi hoàn cho NNT theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Trước đây: Thông tư số 150/2013/TT-BTC ngày 29/3/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập, quản lý và việc thực hiện hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế GTGT, theo đó, dự toán hoàn thuế GTGT được giao cho Cục trưởng Cục Thuế quản lý và chi hoàn thuế trong phạm vi dự toán, nay Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quản lý, Điều hành dự toán hoàn thuế tập trung tại Tổng cục Thuế nhưng vẫn trong phạm vi dự toán được giao.

4. Cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoàn thuế GTGT (Điều 5)

Cơ sở dữ liệu hoàn thuế GTGT là hệ thống dữ liệu thông tin về NNT thuộc đối tượng hoàn thuế GTGT, là một cấu phần trong hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thuế chung của ngành thuế.

Trước đây: chỉ có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thuế chung của ngành thuế, chưa có cơ sở dữ liệu phục vụ riêng cho việc hoàn thuế GTGT.

5. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT (Điều 6)

Thông tư làm rõ nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc giải quyết hoàn thuế GTGT được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13; Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 (sau đây gọi là Luật số 106/2016/QH13); Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính về áp dụng rủi ro trong nghiệp vụ quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đây: Thông tư 204/2015/TT-BTC đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quy định cụ thể để thực hiện. Nay Luật số 106/2016/QH13 quy định có tính pháp lý cao hơn, cụ thể hơn về áp dụng quản lý rủi ro trong hoàn thuế GTGT (Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 quy định áp dụng quản lý rủi ro nói chung).

6. Áp dụng biện pháp nghiệp vụ hải quan đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế (Điều 7)

- Quy định rõ việc cơ quan thuế tra cứu, căn cứ thông tin trên Tờ khai hải quan để giải quyết hoàn thuế GTGT. Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, phân luồng kiểm tra hải quan theo quy định của Luật hải quan.

- Bổ sung hướng dẫn: Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá rủi ro, yêu cầu về quản lý hoàn thuế GTGT hoặc qua kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin vi phạm của NNT cho cơ quan hải quan để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm: trên cơ sở đề nghị của Tổng cục Thuế, bổ sung bộ tiêu chí, chỉ số phân loại rủi ro để chỉ đạo cơ quan hải quan các cấp thực hiện thống nhất, tự động.

Trước đây: việc quy định phân luồng kiểm tra hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền được thực hiện theo các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.

7. Áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý hoàn thuế đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế (Điều 8)

Bổ sung hướng dẫn:

[...]