Công văn 103/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn thu thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá

Số hiệu 103/TCHQ-KTTT
Ngày ban hành 07/01/1999
Ngày có hiệu lực 07/01/1999
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Văn Cầm
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 103/TCHQ-KTTT

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 103-TCHQ/KTTT NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 1999 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THU THUẾ NHẬP KHẨU THEO TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ

Kính gửi: - Các cục Hải quan tỉnh, thành phố

Ngày 25-12-1998, liên Bộ Tài chính - Công nghiệp - Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT-BTC-BCN-TCHQ hướng dẫn thực hiện chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử, và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 1944/1998/QĐ-BTC ngày 25-12-1998 về việc thực hiện thuế suất thuế ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm trên. Để thực hiện thống nhất trong cả nước, Tổng cục Hải quan hướng dẫn chi tiết thêm một số điểm như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Chính sách thuế được hưởng ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá:

Chỉ có thuế nhập khẩu mới được hưởng ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá. Còn các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng... vẫn nộp theo quy định hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng.

a) Chỉ áp dụng việc tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa đối với việc nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử có thuế suất thuế nhập khẩu (theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) từ 30% trở lên.

b) Việc áp dụng tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá cũng được áp dụng đối với việc nhập khẩu để phục vụ sản xuất hay lắp ráp phụ tùng của các mặt hàng đã nêu ở phần a trên.

Lưu ý phụ tùng (hoàn chỉnh) cũng phải có thuế suất thuế nhập khẩu (theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) từ 30% trở lên.

II. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TÍNH THUẾ NHẬP KHẨUTHEO TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ

Để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá, các doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá phải có đầy đủ các điều kiện sau:

1. Doanh nghiệp phải có dây chuyền công nghệ sản xuất, láp ráp sản phẩm hay phụ tùng phù hợp với mặt hàng nhập khẩu.

Dây chuyền này phải được Bộ công nghiệp (hoặc cơ quan được Bộ công nghiệp uỷ quyền) kiểm tra và xác nhận bằng văn bản.

2. Sản phẩm hoặc phụ tùng được sản xuất hay láp ráp trong nước phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng do cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp.

Trường hợp các doanh nghiệp mới được thành lập hoặc mới có dây chuyền công nghệ sản xuất, láp ráp bắt đầu đi vào sản xuất nên chưa có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm thì cho phép doanh nghiệp được nợ giấy chứng nhận này, nhưng chậm nhất không quá 06 (sáu) tháng kể từ khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên, doanh nghiệp phải nộp bổ sung giấy chứng nhận đăng ký chất lượng.

3. Đăng ký kế hoạch nội địa hoá sản phẩm:

Bản đăng ký tỷ lệ nội địa hoá thực hiện đối với từng sản phẩm, phụ tùng và xác nhận của Bộ công nghiệp về việc doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện nội địa hoá sản phẩm, phụ tùng theo tỷ lệ đăng ký.

III. QUY TRÌNH TÍNH VÀ THU THUẾ NHẬP KHẨU THEO TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ

1. Đăng ký hồ sơ

Để được áp dụng tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá các doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ sau:

a. Bản đăng ký kế hoạch nội địa hoá sản phẩm (nêu ở Mục 3; Phần II nêu trên)

b. Danh mục và định mức về số lượng các bán thành phẩm, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận cấu thành (dùng sản xuất hay lắp ráp) nên một sản phẩm hoặc một phụ tùng. Trong đó phân ra:

- Danh mục các bán thành phẩm, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận nhập khẩu cùng giá nhập (giá CIF).

Danh mục các bán thành phẩm, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận sản xuất trong nước (đối với phụ tùng mua của các đơn vị sản xuất, lắp ráp trong nước thì phải ghi rõ tên đơn vị cung cấp), trong đó phải nêu rõ loại phụ tùng chi tiết bắt buộc phải sản xuất trong nước (trường hợp không có loại sản xuất trong nước cũng phải nói rõ).

Nếu doanh nghiệp nào đăng ký thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu theo tỷ lệ nội địa hoá thì phải cung cấp danh mục và định mức về số lượng nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm, phụ tùng đó. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực và chính xác của danh mục và định mức.

c. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải xuất trình cho cơ quan hải quan giấy tờ sau:

[...]