Thông tư 50A-TC/TCT-1997 quy định tạm thời về thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện, chi tiết nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm chưa có quy định tiêu chuẩn dạng lắp ráp SKD,CKD, IKD do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 50A-TC/TCT
Ngày ban hành 31/07/1997
Ngày có hiệu lực 15/08/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50A-TC/TCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 50A-TC/TCT NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1997 QUY ĐỊNH THỰC HIỆN TẠM THỜI VỀ THUẾ XUẤT THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI LINH KIỆN, CHI TIẾT NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT LẮP RÁP CÁC SẢN PHẨM CHƯA CÓ QUI ĐỊNH TIÊU CHUẨN DẠNG LẮP RÁP SKD, CKD, IKD

Căn cứ Nghị định số 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Căn cứ Điều 3 Quyết định số 280/TTg ngày 28/9/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu;
Căn cứ ý kiến Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3144/KTTH ngày 24/6/1997 của Chính phủ về chính sách thuế đối với một số vật tư cho dự án đầu tư nước ngoài và chính sách thuế khuyến khích nội địa hoá sản xuất sản phẩm;
Trong khi chờ ban hành chính sách thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá đối với sản xuất, lắp ráp các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp cơ khí - điện - điện tử; Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành, Bộ Tài chính qui định thực hiện tạm thời về thuế suất thuế nhập khẩu đối với việc nhập khẩu bộ linh kiện để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm chưa có qui định tiêu chuẩn dạng lắp ráp SKD, CKD, IKD như sau:

I- PHẠM VI VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

1- Phạm vi áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với sản phẩm cơ khí - điện - điện tử là linh kiện, chi tiết nhập khẩu của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử, nhưng chưa có qui định tiêu chuẩn dạng lắp ráp SKD, CKD, IKD.

2- Điều kiện áp dụng:

Để được áp dụng chính sách tạm thời về thuế nhập khẩu đổi với linh kiện, chi tiết, các doanh nghiệp phải có các điều kiện sau:

- Có dây chuyền công nghệ sản xuất, lắp ráp (đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật, phù hợp với giấy phép đầu tư, sản xuất kinh doanh) được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra và xác nhận.

- Sản phẩm sản xuất, lắp ráp phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm do cơ quan Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp.

- Có kế hoạch sản xuất, lắp ráp các sản phẩm cơ khí - điện - điện tử đăng ký với cơ quan Hải quan.

II- PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ NHẬP KHẨU:

1- Đối với các doanh nghiệp có đủ các điều kiện qui định tại điểm 2, Phần I Thông tư này, nếu nhập khẩu bộ linh kiện, chi tiết để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, phụ tùng chưa có qui định tiêu chuẩn dạng lắp ráp SKD, CKD, IKD thì được tính thuế theo thuế suất thuế nhập khẩu của từng linh kiện chi tiết nhập khẩu qui định tại Biểu thuế nhập khẩu.

Ví dụ: Công ty A nhập khẩu bộ linh kiện đồng bộ để sản xuất lắp ráp máy giặt bao gồm các bộ phận: Mô tơ, linh kiện điện, vỏ tôn, dây cụ roa, bảng điều khiển điện tử, dây điện, lò so, ốc vít, chi tiết bằng nhựa...

Thuế nhập khẩu của bộ linh kiện máy giặt đó được xác định riêng cho từng chi tiết: Mô tơ, linh kiện điện, dây cu roa, lò so... theo thuế suất thuế nhập khẩu qui định của từng chi tiết (không tính thuế theo thuế suất của nhóm máy giặt).

- Trường hợp một linh kiện, chi tiết có thể vận dụng xếp được vào 2 hoặc nhiều mã số có thuế suất khác nhau thì việc xác định mã số và thuế suất thuế nhập khẩu được thực hiện theo qui định hiện hành của Biểu thuế và nguyên tắc phân loại việc xếp mã số theo hệ thống điều hoà HS của Tổng cục Thống kê ban hành.

2- Đối với những trường hợp nếu áp dụng tính thuế theo từng linh kiện chi tiết theo qui định của Thông tư này mà có tổng số thuế nhập khẩu cho từng linh kiện, chi tiết của một bộ linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu của bộ linh kiện đó nếu tính theo thuế của sản phẩm nguyên chiếc thì đối với các linh kiện, chi tiết có thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất của sản phẩm nguyên chiếc sẽ được tính thuế theo thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm nguyên chiếc đó.

3- Đối với những mặt hàng đã có thuế nhập khẩu theo qui định tiêu chuẩn dạng SKD, CKD, IKD hiện nay (xe ôtô; xe gắn máy; tủ lạnh; động cơ đốt trong; linh kiện điện tử) thì vẫn thực hiện thuế nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu dạng SKD, CKD, IKD như các qui định hiện hành.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Đăng ký, xét duyệt hồ sơ

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm, phụ tùng phải nộp cho cơ quan Hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) hồ sơ đăng ký nhập khẩu linh kiện, chi tiết để sản xuất, lắp ráp bao gồm:

- Giấy phép đầu tư, sản xuất - kinh doanh (phù hợp với các mặt hàng sản xuất, lắp ráp có sử dụng sản phẩm có khí - điện - điện tử nhập khẩu xin áp dụng tính thuế nhập khẩu theo linh kiện, chi tiết).

- Giấy xác nhận của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng về dây chuyền công nghệ sản xuất, lắp ráp đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật.

- Giấy đăng ký chất lượng sản phẩm.

- Bản giải trình về kế hoạch sản xuất, lắp ráp trong năm; kế hoạch nhập khẩu và định mức từng chi tiết, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm, phụ tùng trong năm và tên sản phẩm sản xuất, lắp ráp.

Trên cơ sở hồ sơ của đơn vị, cơ quan Hải quan xét duyệt việc cho phép đơn vị thực hiện thuế nhập khẩu theo chi tiết, linh kiện. Đồng thời mở sổ theo dõi việc nhập khẩu linh kiện, chi tiết và quyết toán sau này.

2- Theo dõi và quyết toán hàng nhập khẩu:

a) Theo dõi hàng nhập khẩu: Khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải có trách nhiệm kê khai đầy đủ từng chi tiết, linh kiện, giá nhập khẩu của từng linh kiện chi tiết và mở sổ ghi chép theo dõi hàng nhập khẩu theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan. Tổng cục Hải quan hướng dẫn Hải quan địa phương theo dõi hàng nhập khẩu đảm bảo thuận lợi cho đơn vị, tránh lợi dụng nhập khẩu cho sản xuất lắp ráp để trốn thuế nhập khẩu.

[...]