Công văn 1008/BNN-TTr năm 2014 chấn chỉnh công tác thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
Số hiệu | 1008/BNN-TTr |
Ngày ban hành | 25/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 25/03/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Cao Đức Phát |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1008/BNN-TTr |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các Tổng cục,
Cục thuộc Bộ; |
Thực hiện Quyết định số 3027/QĐ-BNN-TTr ngày 24/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, nhằm kiểm tra việc thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 24/02/2012 của Chính phủ quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng Thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Thông tư số 34/2013/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về bộ phận tham mưu; tiêu chuẩn, trang phục, thẻ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và PTNT; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2013 (bao gồm cả thanh tra diện rộng nếu có); kiểm tra việc triển khai, thực hiện Thông tư số 14/2011 /TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính và việc kiểm tra, giám sát khắc phục hậu quả của đối tượng vi phạm năm 2013.
Qua kiểm tra, Đoàn đã phát hiện một số tồn tại: Một số Sở đã thành lập bộ phận tham mưu của chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng hoạt động chưa đều; biên chế cho lực lượng được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành còn mỏng, đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành còn chưa đáp ứng với nhiệm vụ thực tế. Có Thanh tra Sở cùng lúc sử dụng hai loại sắc phục. Việc xử phạt vi phạm hành chính còn tùy tiện như: Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục phát hiện ở cơ sở kinh doanh nhưng chủ yếu xử phạt cơ sở sản xuất (không xử phạt cơ sở kinh doanh); hàng hết hạn sử dụng, hàng ngoài danh mục vẫn cho phép tái chế, đặc biệt là không tiến hành kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả nên không nắm được số lượng hàng được thu hồi và xử lý; số hàng giả, kém chất lượng, ngoài danh mục, hết hạn sử dụng đã được phát hiện vẫn còn tiếp tục lưu thông trên thị trường. Việc kiểm tra khắc phục sai lỗi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Thông tư 14/2011 /TT-BNNPTNT (Điều kiện sản xuất, kinh doanh; nhãn hàng hóa...) của cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, liên tục.
Để công tác tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành đi vào nề nếp, hiệu quả; đồng thời chấn chỉnh một số những tồn tại đã nêu, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:
1. Sớm kiện toàn tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành ở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Cử các công chức có đủ điều kiện quy định tại nghị định 07/2012/NĐ-CP và Thông tư 34/2013/TT- BNNPTNT tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động thanh tra chuyên ngành.
2. Triển khai, thực hiện Chỉ thị 167/CT-BNN-TTr ngày 20/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản.
3. Thực hiện đúng quy định tại Quyết định 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 1, Điều 10 của Quyết định) và Thông tư 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ khoa học công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (Khoản 5, Điều 9 của Thông tư). Tập trung thanh tra, kiểm tra các đại lý kinh doanh VTNN, các cơ sở sản xuất VTNN trên địa bàn, phối hợp với các địa phương liên quan để truy xuất nguồn gốc, xử lý nhanh, triệt để VTNN là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (đối với cơ sở sản xuất không đóng trên địa bàn), đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Thanh tra Bộ) để đôn đốc thực hiện.
4. Thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính do Chính phủ ban hành, không được tùy tiện đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả trái quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện việc khắc phục hậu quả đối với VTNN là hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng... buộc phải thu hồi trên toàn quốc.
5. Về trang phục, tiếp tục thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 125/2008/QĐ-BNN ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với Thanh tra Sở) và Thông tư 34/2013/TT-BNNPTNT (đối với công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành).
6. Lập dự toán kinh phí phục vụ hoạt động xử phạt VPHC theo quy định tại Thông tư 153/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, thực hiện (Thanh tra Sở có trách nhiệm thông báo Văn bản này tới các Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành); trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Thanh tra Bộ) để phối hợp giải quyết./.
|
BỘ TRƯỞNG |