Công văn 10030/BCT-CNNg năm 2016 vướng mắc trong xuất khẩu khoáng sản quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành
Số hiệu | 10030/BCT-CNNg |
Ngày ban hành | 21/10/2016 |
Ngày có hiệu lực | 21/10/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Đỗ Thắng Hải |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10030/BCT-CNNg |
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2016 |
Kính gửi: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)
Trả lời Công văn số 8367/TCHQ-GSQL ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Tổng cục Hải quan về vướng mắc trong xuất khẩu khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công Thương về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Trong quá trình rà soát, đánh giá Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Bình và Tổng cục Hải quan (công văn số 7971/TCHQ-GSQL ngày 23 tháng 12 năm 2013) cho rằng khoản 2 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT quy định “khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định thì vẫn có quyền cho thông quan, đồng thời tiến hành lập biên bản và lấy mẫu khoáng sản để kiểm tra lại” là chưa hợp lý, tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu khoáng sản không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời chấp nhận xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 60.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ), mức phạt này là quá thấp so với giá trị lô hàng khoáng sản xuất khẩu thường có giá trị rất lớn nên không đủ sức răn đe. Vì vậy, tại công văn số 7971/TCHQ-GSQL ngày 23 tháng 12 năm 2013, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo “yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, đều phải lấy mẫu để kiểm tra lại (trừ trường hợp việc lấy mẫu phân tích trước đó đã có sự chứng kiến của cơ quan Hải quan) để đánh giá và xử lý việc xuất khẩu khoáng sản của doanh nghiệp”.
Với quan điểm “khoáng sản không phải là nguồn tài nguyên vô tận, cũng không phải là mặt hàng khuyến khích xuất khẩu nên phải quản lý chặt chẽ; đặc biệt là khoáng sản xuất khẩu mới qua khâu khai thác, hoặc chế biến chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định”, để tránh gian lận trong quá trình xuất khẩu, tại khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) của Thông tư số 12/2016/TT-BCT đã điều chỉnh theo hướng “Trước khi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp phối hợp cùng cơ quan Hải quan lấy mẫu phân tích cho từng lô hàng xuất khẩu để làm căn cứ xác định chất lượng”. Quy định này phù hợp công văn số 7971/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan đã được thực hiện từ năm 2013.
Để thống nhất phương thức tổ chức thực hiện, đề nghị Tổng cục Hải quan trên cơ sở Thông tư số 12/2016/TT-BCT và công văn số 7971/TCHQ-GSQL nêu trên hướng dẫn doanh nghiệp và Hải quan các địa phương thực hiện thủ tục lấy mẫu khoáng sản khi làm thủ tục xuất khẩu phù hợp với từng điều kiện cụ thể, đảm bảo việc xuất khẩu đúng chủng loại, chất lượng.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |