Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công ước về hàng không dân dụng quốc tế

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 07/12/1944
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Công ước
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CÔNG ƯỚC

VỀ HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC TẾ[*]
(Ký tại Chicago ngày 07 tháng 12 năm 1944)

 

LỜI NÓI ĐẦU

Xét rằng sự phát triển trong tương lai của ngành Hàng không dân dụng quốc tế có thể giúp đỡ lớn lao cho việc tạo ra và giữ gìn tình hữu nghị và hiểu biết giữa các dân tộc và nhân dân trên thế giới, song việc lạm dụng nó có thể trở thành mối đe doạ đối với nền an ninh chung; và

Xét rằng mọi người đều mong muốn tránh sự xung đột và tăng cường sự hợp tác giữa các dân tộc và nhân dân mà nền hòa bình của thế giới phụ thuộc vào đó;

Vì vậy các Chính phủ ký kết dưới đây đã thống nhất một số nguyên tắc và thỏa thuận để ngành hàng không dân dụng có thể phát triển một cách an toàn và trật tự và để các dịch vụ vận chuyển hàng không dân dụng quốc tế có thể được thiết lập trên cơ sở bình đẳng về cơ hội khai thác một cách chính đáng và kinh tế;

Cùng nhau ký kết Công ước này nhằm mục đích trên.

Phần 1.

KHÔNG LƯU

Chương 1.

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG VÀ VIỆC ÁP DỤNG CÔNG ƯỚC

Điều 1. Chủ quyền

Các Quốc gia ký kết công nhận rằng mỗi Quốc gia đều có chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt trên khoảng không gian bao trùm lãnh thổ của mình.

Điều 2. Lãnh thổ

Vì mục đích của Công ước này, lãnh thổ của một Quốc gia được coi là những vùng đất và lãnh hải tiếp giáp thuộc chủ quyền, bá quyền, quyền bảo hộ hoặc quyền ủy trị của Quốc gia đó.

Điều 3.[†] Tầu bay dân dụng và tầu bay nhà nước

a) Công ước này chỉ áp dụng đối với tầu bay dân dụng, và không áp dụng đối với tầu bay nhà nước.

b) Tầu bay dùng phục vụ quân sự, hải quan và cảnh sát được coi là tầu bay nhà nước

c) Không một tầu bay nào của một Quốc gia ký kết được bay qua lãnh thổ của một Quốc gia ký kết khác hoặc hạ cánh xuống đó mà không được phép bằng sự thoả thuận đặc biệt hoặc bằng cách khác, và phải tuân thủ các điều kiện của giấy phép đó.

d) Các Quốc gia ký kết cam kết rằng phải xem xét tới an toàn bay của tầu dân dụng khi ban hành các quy định đối với tầu bay nhà nước của mình.

Điều 4. Lạm dụng ngành hàng không dân dụng

Mỗi Quốc gia ký kết thỏa thuận không sử dụng ngành hàng không dân dụng vào bất kỳ mục đích nào không phù hợp với mục tiêu của Công ước này.

Chương 2.

BAY TRÊN LÃNH THỔ CỦA CÁC QUỐC GIA KÝ KẾT

Điều 5. Quyền của chuyến bay không thường lệ

Mỗi Quốc gia ký kết thoả thuận rằng tất cả các tầu bay của các Quốc gia ký kết khác mà là các tầu bay không thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ có quyền, phụ thuộc vào việc tuân thủ các điều kiện của Công ước này, bay vào hoặc bay qua không hạ cánh trên lãnh thổ của nước mình và có quyền hạ cánh không nhằm mục đích thương mại mà không cần có phép trước, và phụ thuộc vào quyền của Quốc gia bay qua buộc tầu bay hạ cánh. Tuy nhiên, vì lý do an toàn của chuyến bay, mỗi Quốc gia ký kết có quyền buộc tầu bay bay theo các đường quy định hoặc có phép đặc biệt cho các chuyến bay khi bay qua những vùng khó bay vào hoặc những vùng không có đầy đủ các phương tiện bảo đảm không lưu.

Nếu việc vận chuyển hành khách, hàng hóa và bưu kiện để kiếm lời mà không phải là vận chuyển trên các chuyến bay quốc tế thường lệ, thì các tầu bay nói trên cũng có những đặc quyền, phụ thuộc vào các quy định ở Điều 7, hoặc trả hành khách, hàng hóa, hoặc bưu kiện phụ thuộc vào quyền của Quốc gia nơi tiến hành lấy hoặc trả hành khách, hàng hóa, hoặc bưu kiện mà áp đặt các quy định, điều kiện hoặc giới hạn khi Quốc gia đó cho là cần thiết.

Điều 6. Chuyến bay thường lệ

Không chuyến bay quốc tế thường lệ nào có thể được thực hiện trên hoặc trong lãnh thổ của một Quốc gia ký kết, trừ khi được phép đặc biệt hoặc phép nào khác của Quốc gia đó và phải tuân theo các điều kiện của những giấy phép đó.

[...]