Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa, 2001

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 02/11/2001
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN NGÔN THẾ GIỚI

VỀ ĐA DẠNG VĂN HÓA, 2001

(Được thông qua tại phiên họp toàn thể, kỳ họp 31 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc ngày 2/11/2001).

Toàn thể hội nghị,

Cam kết thực hiện đầy đủ các quyền con người và quyền tự do cơ bản trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và các công cụ pháp lý quốc tế được thừa nhận khác như hai Công ước quốc tế năm 1966 liên quan tới các quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa;

Nhớ lại lời tựa của Hiến chương UNESCO khẳng định rằng “truyền bá văn hóa rộng rãi và giáo dục nhân văn vì công lý, tự do và hòa bình là những yếu tố không thể thay thế tạo nên phẩm giá con người và là nghĩa vụ thiêng liêng mà tất cả các quốc gia đều phải thực hiện trên tinh thần tương thân tương ái”;

Xét thêm Điều 1 của Hiến chương xác định một trong những nhiệm vụ của UNESCO là đề xuất “những thỏa thuận quốc tế có thể cần thiết trong việc thúc đẩy dòng chảy tự do của tư tưởng bằng hình ảnh và ngôn từ”;

Chiếu đến những điều khoản liên quan tới đa dạng văn hóa và thực thi quyền văn hóa trong những công cụ quốc tế do UNESCO ban hành;

Tái khẳng định rằng văn hóa cần được coi là một tập hợp các đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm của một xã hội hoặc một nhóm người, và rằng bên cạnh nghệ thuật và văn chương, nó còn bao hàm cả lối sống, cách sống trong cộng đồng, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng;

Chú ý rằng văn hóa là vấn đề trung tâm của mọi tranh cãi hiện tại về bản sắc, độ kết dính xã hội và sự phát triển của nền kinh tế tri thức;

Khẳng định rằng tôn trọng đa dạng văn hóa, bao dung, đối thoại và hợp tác trong bầu không khí tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau là những đảm bảo tốt nhất cho hòa bình và an ninh quốc tế;

Hướng tới tình đoàn kết lớn hơn trên cơ sở công nhận đa dạng văn hóa, ý thức được tính thống nhất của nhân loại, và sự phát triển của giao lưu văn hóa;

Xét thấy tiến trình toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin liên lạc mới, dù mang đến thách thức cho đa dạng văn hóa, nhưng cũng tạo ra điều kiện để nối lại đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh;

Ý thức về nhiệm vụ đặc biệt của UNESCO, trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, là đảm bảo gìn giữ và phát huy tính đa dạng có lợi (fruitful diversity) của văn hóa;

Tuyên bố những quy tắc dưới đây và cùng lúc ban hành Bản tuyên ngôn này:

BẢN SẮC, ĐA DẠNG VÀ ĐA NGUYÊN.

Điều 1. Đa dạng văn hóa: tài sản chung của nhân loại

Văn hóa tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau theo thời gian và không gian. Sự đa dạng này tồn tại ở những nét riêng và điểm chung trong bản sắc của các nhóm người, các xã hội hình thành nên cộng đồng nhân loại. Là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới, và sáng tạo, đa dạng văn hóa cũng cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên. Với ý nghĩa này, đa dạng văn hóa chính là tài sản chung của nhân loại và nó cần được công nhận, khẳng định vì quyền lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Điều 2. Từ đa dạng văn hóa tới đa nguyên văn hóa

Trong các xã hội ngày càng khác biệt hiện nay, đảm bảo sự tương tác hòa hợp giữa các nhóm người, tộc người với bản sắc văn hóa đa nguyên, đa dạng, luôn vận động biến đổi không ngừng, cùng với việc duy trì thiện chí sống chung là vô cùng cần thiết. Các chính sách hướng tới sự hòa nhập và tham gia của mọi công dân là những đảm bảo cho tính kết dính của xã hội, sức sống của xã hội dân sự và hòa bình. Với cách định nghĩa như vậy, đa nguyên văn hóa đưa ra một định nghĩa mang tính chính sách đối với thực tiễn đa dạng văn hóa. Vẫn trong khuôn khổ dân chủ, đa nguyên văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa và phát triển năng lực sáng tạo giúp duy trì đời sống cộng đồng.

Điều 3. Đa dạng văn hóa là một nhân tố phát triển

Đa dạng văn hóa mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho tất cả mọi người; nó là một trong những căn nguyên của phát triển, được hiểu không chỉ dưới góc độ tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà còn được hiểu như một phương tiện đạt được sự tồn tại mãn nguyện hơn về trí tuệ, tình cảm, đạo đức cũng như tinh thần.

ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ NHÂN QUYỀN

Điều 4. Quyền con người là những đảm bảo cho đa dạng văn hóa

Bảo vệ đa dạng văn hóa là một nhu cầu đạo đức không thể tách rời với sự tôn trọng phẩm giá con người. Nó bao hàm sự tận tâm thực hiện các quyền con người và quyền tự do cơ bản, cụ thể là quyền của con người trong các nhóm dân tộc thiểu số và các tộc người bản địa. Không ai được phép dùng đa dạng văn hóa để xâm phạm hay hạn chế nhân quyền do pháp luật quốc tế bảo đảm.

Điều 5. Các quyền văn hóa với tư cách là môi trường thúc đẩy đa dạng văn hóa

Các quyền văn hóa là một phần của nhân quyền, mang tính phổ quát, không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau. Việc thăng hoa đa dạng sáng tạo đòi hỏi thực thi triệt để các quyền văn hóa được định nghĩa trong Điều 27 của Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người Điều 13 và 15 của Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Do đó, mọi người đều có quyền thể hiện bản thân, sáng tạo và ban bố công việc của mình bằng thứ ngôn ngữ họ lựa chọn, cụ thể là tiếng mẹ đẻ của họ; mọi người đều có quyền hưởng nền giáo dục - đào tạo có chất lượng mà hoàn toàn tôn trọng bản sắc văn hóa của họ; và đều có quyền tham gia vào đời sống văn hóa họ thích, cũng như thực hiện các thói quen văn hóa của riêng họ, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Điều 6. Hướng tới sự tiếp cận đa dạng văn hóa cho tất cả mọi người

Trong khi đảm bảo tự do cho dòng chảy tư tưởng bằng hình ảnh và ngôn từ thì cũng cần quan tâm để mọi nền văn hóa đều có thể thể hiện mình và làm cho người khác biết đến. Tự do biểu đạt, đa nguyên phương tiện, đa ngữ, tiếp cận bình đẳng đối với nghệ thuật, kiến thức khoa học và công nghệ, bao gồm cả dạng số, và khả năng cho phép các nền văn hóa tiếp cận với các phương tiện biểu đạt và truyền bá tư tưởng là những bảo đảm cho đa dạng văn hóa.

ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ SÁNG TẠO VĂN HÓA

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ