Công ước 111 năm 1958 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp
Số hiệu | 111 |
Ngày ban hành | 25/06/1958 |
Ngày có hiệu lực | |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Cơ quan ban hành | *** |
Người ký | *** |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
CÔNG ƯỚC SỐ 111
CÔNG ƯỚC
VỀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG VIỆC LÀM VÀ NGHỀ NGHIỆP, 1958
Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 4 tháng 10 năm 1958, trong kỳ họp thứ bốn mươi hai, và
Sau khi đã quyết định chấp thuận một số đề nghị về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, và vấn đề thuộc điểm thứ tư trong chương trình nghị sự kỳ họp, và
Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế, và
Xét rằng Tuyên ngôn Phi la đen phi a khẳng định tất cả mọi gười sinh ra, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay giới tính, đều có quyền mưu cầu đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ trong điều kiện tự do và nhân phẩm, ổn định kinh tế và cơ hội bình đẳng, và
Còn xét rằng việc phân biệt đối xử là một sự vi phạm các quyền được ghi trong Tuyên ngôn chung về nhân quyền,
Thông qua ngày 25 tháng 6 năm 1958, Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Phân biệt đối xử, 1958.
Điều 1
1. Trong Công ước này, thuật ngữ “phân biệt đối xử” bao gồm:
a). Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, chính kiến, dòng dõi dân tộc hoặc nguồn gốc xã hội, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp;
b). Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi khác nhằm triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử mà Nước thành viên hữu quan sẽ có thể chỉ rõ sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và của người lao động, nếu có, và của các tổ cức thích hợp khác.
2. Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi thuộc một công việc nhất định và căn cứ trên những đòi hỏi vốn có của công việc đó thì sẽ không coi là phân biệt đối xử.
3. Trong Công ước này, những thuật ngư “việc làm” và “nghề nghiệp” bao hàm cả việc được tiếp nhận đào tạo nghề, được tiếp nhân việc làm và các loại nghề nghiệp, và cả các điều kiện sử dụng lao động.
Điều 2
Mỗi Nước thành viên chịu hiệu lực của Công ước này cam kết tuyên bố và theo đuổi một chính sách quốc gia, nhằm thúc đẩy bằng những phương pháp thích ứng với hoàn cảnh và thực tiẽn quốc gia, sự bình đẳng về cơ may và về đối xử trong việc làm và nghề nghiệp để nhằm huỷ bỏ mọi sự phân biệt đối xử về mặt này.
Điều 3
Mỗi Nước thành viên chịu hiệu lực của Công ước này phải có các biện pháp thích ứng với hoàn cảnh và thực tiễn quốc gia để:
a). Tìm sự cộng tác với các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động và các tổ chức thích hợp khác nhằm đẩy mạnh việc chấp nhận và áp dụng chính sách đó;
b). Ban hành các đạo luật và thúc đẩy các chương trình giáo dục có việc chấp nhận và áp dụng chính sách đó;
c). Huỷ bỏ mọi quy định pháp luật và sửa đổi mọi chỉ thị hoặc mọi thủ tục hành chính không phù hợp với chính sách đó;
d). Theo đuổi chính sách việc làm có sự điều tiết trực tiếp của cơ quan có thẩm quyền;
e). Bảo đảm việc tuân thủ chính sách đó trong các hoạt động của các tổ chức hướng nghiệp, đào tạo nghề và sắp xếp việc làm đặt dưới sự quản lý của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
f). Trong báo cáo hàng năm của mình về việc áp dụng Công ước, chỉ rõ những biện pháp đã sử dụng theo chính sách đó có kết quả chung đã đạt được.
Điều 4
Sẽ không coi là phân biệt đối xử, những biện pháp đối với một cá nhân đang tham gia hoặc bị nghi ngờ chính đáng là đã tham gia một hoạt động phương hại tới an ninh quốc gia, miễn là đương sự vẫn có quyền khiếu nại tới một cấp có thẩm quyền được thiết lập theo tập quán quốc gia.
Điều 5
1. Không được coi là phân biệt đối xử những biện pháp bảo vệ hoặc trợ giúp đặc biệt được quy định trong các Công ước hoặc Khuyến nghị khác mà Hội nghị Lao động quốc tế đã thông qua.