Chương trình 3067/CTr-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 3067/CTr-UBND
Ngày ban hành 17/05/2022
Ngày có hiệu lực 17/05/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3067/CTr-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 5 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/NQ-CP NGÀY 12/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện với các nội dung chủ yếu, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Chương trình hành động phải đảm bảo phù hợp và gắn kết chặt chẽ với những chủ trương, định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã thông qua tại Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ. đây là căn cứ để UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao.

2. Căn cứ vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết của Chính phủ và trong Chương trình hành động này, các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, cụ thể, phù hợp với thực tế ngành, địa phương mình và có sự phối, kết hợp chặt chẽ với nhau; đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của UBND tỉnh đối với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát kinh tế nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng thu nhập thực tế cho Nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Tập trung phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy cơ chế mở làm đột phá xuyên suốt, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao, có khả năng thúc đẩy phát triển các ngành trọng yếu khác và cùng tham gia hình thành chuỗi giá trị. Tiếp tục phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là chuỗi liên kết du lịch đáp ứng bộ tiêu chí du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát triển di tích, di sản, nhất là di sản văn hóa thế giới.

Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có lợi thế, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị đa quốc gia. Chuyển dịch mạnh cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Xây dựng các khu, cụm liên kết ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút và phát triển nhóm ngành công nghiệp chủ lực. Đầu tư hạ tầng công nghiệp gắn với giải quyết tốt vấn đề môi trường, xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và kết nối với phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng, miền.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững, tạo sự chuyển biến tích cực đến cuộc sống của người dân ở nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Tạo sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, nông thôn. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu

Giai đoạn 2021-2025: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng bình quân 7,5-8,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110-113 triệu đồng; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa bình quân 10%/năm; Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP đến năm 2025 trên 30%; Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 9% (trong đó, thu nội địa tăng bình quân 10%/năm, thu xuất nhập khẩu tăng bình quân 4%/năm),...

Đến năm 2025, tỷ trọng các ngành trong GRDP đến năm 2025: công nghiệp - xây dựng từ 35,8-36%; dịch vụ từ 37,2-37,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp từ 17,5-17,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 9,5-9,3%; số lượt khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 12 triệu lượt khách.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 37%; trong đó, phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Đến năm 2025 thành lập mới khoảng 300 - 350 tổ hợp tác, 200-250 hợp tác xã, 02-03 Liên hiệp hợp tác xã.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập

a) Cơ cấu lại đầu tư công

Triển khai hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định. Tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; thường xuyên theo dõi, chủ động điều chỉnh, cân đối nguồn vốn giữa các dự án để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước tại địa phương theo quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách và huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính chiến lược, lâu dài. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Áp dụng linh hoạt các hình thức kêu gọi vốn đầu tư theo các hình thức xã hội hóa, hợp tác đối tác công tư (PPP). Xây dựng và công bố danh mục các dự án khuyến khích đầu tư để huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật đấu thầu,... Thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Tăng cường kiểm tra các chủ đầu tư trong thực hiện các quy định về quản lý đầu tư, lựa chọn nhà thầu; nâng cao chất lượng công tác thẩm định thiết kế, dự toán, quyết toán các dự án xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

b) Cơ cấu lại ngân sách nhà nước

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách tỉnh năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; Kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh,...

Thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu ngân sách. Tổ chức thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, khai thác các nguồn thu, phấn đấu có thêm các nguồn thu lớn để tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ tài sản công. Bố trí ngân sách phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.

c) Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, mở rộng mạng lưới hoạt động đặc biệt là địa bàn nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp huy động vốn để mở rộng cho vay có hiệu quả, nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, kiểm soát nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động. Triển khai thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nghiêm, kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng theo quy định hiện hành.

[...]