Chương trình 19/CTr-UBND năm 2021 hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 19/CTr-UBND
Ngày ban hành 23/05/2021
Ngày có hiệu lực 23/05/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CTr-UBND

Lạng Sơn, ngày 23 tháng 5 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. Khái quát tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lạng Sơn

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX() về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; các Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương, Kết luận của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh, ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện như Kế hoạch số 72/KH- UBND ngày 07/8/2013 thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 23/12/2011 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 11/10/2011; Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 02/11/2020 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 134/-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ; định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030 (Báo cáo số 229/BC-UBND ngày 17/6/2020); Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 19/8/2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 17/8/2020 về phát triển kinh tế tập thể năm 2021 tỉnh Lạng Sơn.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.

2. Kết quả thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Giai đoạn 2016-2020, căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025 (thay thế Nghị quyết số 21/2016/NQ- HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh), tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện hỗ trợ tổ chức lại hoạt động, thành lập, bồi dưỡng nguồn nhân lực các hợp tác xã; xây dựng 04 mô hình điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đưa 05 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ chuyên môn phù hợp ký hợp đồng làm việc tại 05 hợp tác xã; hỗ trợ 15 hạng mục xây dựng kết cấu hạ tầng cho 10 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ cho 26 hợp tác xã vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh... với tổng kinh phí hỗ trợ là 86.735 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới): 18.923 triệu đồng (chiếm 21,82%); nguồn vốn ngân sách tỉnh: 8.343 triệu đồng (chiếm 9,62%); nguồn vốn khác (huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân khác): 59.469 triệu đồng (chiếm 68,56%).

3. Tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 1.880 tổ hợp tác[1], có 344 hợp tác xã (HTX)[2], có 02 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp[3]. Nhìn chung, những năm qua số HTX thành lập mới tăng đều qua các năm (trung bình thành lập mới từ 20-25 HTX/năm), lĩnh vực hoạt động chủ yếu là nông, lâm nghiệp (chiếm 76%), các lĩnh vực khác (chiếm 24%). Các HTX, liên hiệp HTX hoàn thành việc tổ chức lại, chuyển đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, giải thể nhiều HTX ngừng hoạt động. Sau khi tổ chức đăng ký lại, các HTX củng cố, đổi mới về tổ chức bộ máy và hoạt động, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường; một số HTX đã được hỗ trợ đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay của các tổ chức tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã để mở rộng, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã của tỉnh Lạng Sơn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên thực tế năng lực nội tại của các tổ chức KTTT còn yếu, điều kiện triển khai các hoạt động, đặc biệt là về mặt bằng, vốn, cơ sở vật chất và trình độ quản lý của các HTX yếu; số HTX làm ăn có hiệu quả còn ít, nhiều THT, HTX còn lúng túng, thiếu định hướng hoạt động rõ ràng, lợi ích đem lại cho thành viên chưa nhiều, chưa đáp ứng được các nhu cầu của xã viên, thành viên, nên một bộ phận xã viên thiếu gắn bó với HTX; đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn nhiều yếu kém, thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh, chưa biết khai thác các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, còn ỷ lại vào xã viên, nên hiệu quả hoạt động của một số HTX không cao; quy mô hoạt động của các HTX hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ, lợi nhuận không cao, không có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh chưa rõ ràng,... nên không đủ điều kiện để vay vốn.

Nguồn vốn ngân sách của Trung ương và tỉnh hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, do mô hình phát triển HTX chưa thực sự hấp dẫn, chưa khẳng định được lợi ích khi bỏ vốn đầu tư. Việc cụ thể hóa, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển về HTX còn chậm, thiếu đồng bộ; thủ tục hỗ trợ rườm rà và thiếu nguồn lực để thực hiện (nguồn vốn hỗ trợ HTX không được bố trí thành dòng vốn riêng mà chủ yếu kết hợp từ các chương trình khác, thiếu vốn để thực hiện các mục tiêu). Bộ máy và năng lực cán bộ quản lý nhà nước ở một số nơi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, còn lúng túng, thiếu định hướng. Việc tổ chức chỉ đạo, thi hành Luật Hợp tác xã và một số chính sách đã ban hành chưa kịp thời. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; việc nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX,... có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh ban hành chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 theo các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

II. Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, trong thời gian tới tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, tạo được sự chuyển biến rõ nét trên các mặt quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX, nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTTT trong xã hội. Phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021-2025 thực hiện hoàn thành các nội dung sau:

- Thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX

+ Tổ chức 200 lớp tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về KTTT, HTX.

+ Tổ chức 15 lớp hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức KTTT, HTX cho phù hợp với các quy định hiện hành.

+ Hỗ trợ thành lập mới từ 200 - 250 HTX, trong đó 160 - 200 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 40 - 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực khác.

- Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

+ Về đào tạo: đào tạo từ 20 người trở lên là thành viên, người lao động của tổ chức KTTT; đào tạo từ 20 người trở lên là công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên (nội dung đào tạo theo nhu cầu thực tế).

+ Về bồi dưỡng: tổ chức 30 lớp bồi dưỡng đối với thành viên, người lao động của tổ chức KTTT; tổ chức 10 lớp bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên.

+ Hỗ trợ khoảng 50 - 60 lao động trẻ trở lên về làm việc tại tổ chức KTTT.

[...]