Kế hoạch 556/KH-UBND năm 2024 phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 556/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2024
Ngày có hiệu lực 09/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nông Quang Nhất
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 556/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2025

Thực hiện Công văn số 4876/BKHĐT-KTHT ngày 24/6/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 trên địa bàn tỉnh, như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HTX NĂM 2024

1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ngành nghề của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1.1. Tổ hợp tác (THT)

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 655 THT (đạt 94% so với kế hoạch năm 2024) với tổng số 7.255 thành viên, trong đó có 609 THT nông nghiệp (chiếm 93%) và 56 THT phi nông nghiệp (chiếm 7%). Qua đánh giá, các THT hoạt động cơ bản hiệu quả, các tổ viên đã chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, quy mô sản xuất kinh doanh của THT còn nhỏ lẻ, số lượng THT biến động liên tục do chủ yếu được thành lập mang tính thời vụ, liên kết chưa thực sự chặt chẽ.

Dự ước doanh thu bình quân của THT đạt 378 triệu đồng/THT/năm. Lợi nhuận bình quân của THT đạt 91 triệu đồng/THT/năm.

1.2. Hợp tác xã (HTX)

Tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 443 HTX, đạt 114% so với kế hoạch năm 2024. Số HTX thành lập mới là 42 HTX, 08 HTX giải thể. Tổng vốn điều lệ của các HTX: 707.307 triệu đồng. Tổng số thành viên là 4.290 thành viên.

Dự ước doanh thu bình quân của 01 HTX đạt 1.482 triệu đồng/HTX/năm.

Thu nhập bình quân người lao động 59 triệu đồng/năm.

Tổng số cán bộ quản lý là 1.119 người, trong đó 156 cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ cấp, trung cấp; 229 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, số còn lại chưa qua đào tạo chuyên môn; kiến thức quản lý chủ yếu được đào tạo qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày do Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

- Về phân loại HTX theo lĩnh vực:

+ Số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 327 HTX, chiếm 73% tổng số HTX. Tổng số thành viên là 2.850 người, thu nhập bình quân ước đạt 5,0 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

+ Số HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 116 HTX, chiếm 27% tổng số HTX. Tổng số thành viên là 1.370 người; thu nhập bình quân ước đạt 5,2 - 5,7 triệu đồng/người/tháng.

1.3. Liên hiệp Hợp tác xã

Đến nay địa bàn tỉnh có 02 Liên hiệp HTX với 18 thành viên HTX. Các thành viên Liên hiệp HTX đã phát huy được vai trò trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các HTX thành viên trong Liên hiệp HTX. Các thành viên liên kết với khoảng 1.000 hộ dân, hợp tác giữa các HTX thành viên hỗ trợ nhau tài chính, nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm chéo, sử dụng dịch vụ của nhau, hỗ trợ nhau hồ sơ và xây dựng các dự án liên kết chuỗi. Sản phẩm thành viên Liên hiệp HTX phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao (01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao - Miến dong của HTX Tài Hoan, 01 sản phẩm đạt OCOP 4 sao - bí thơm của HTX Yến Dương và 23 sản phẩm của các thành viên trong Liên hiệp đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao). Các Liên hiệp HTX thực hiện tốt công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các thành viên trong Liên hiệp HTX, đồng thời quảng bá tiềm năng nông nghiệp, du lịch, văn hóa cộng đồng để trải nghiệm giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh. Việc duy trì và phát triển các Liên hiệp HTX đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Về phân loại Liên hiệp HTX: Trong tổng số 02 Liên hiệp HTX, có 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 01 Liên hiệp HTX thương mại.

 (Chi tiết theo Phụ lục I, II gửi kèm)

2. Đánh giá tác động của HTX, Liên hiệp HTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên

Sau khi gia nhập các HTX, THT, kinh tế của hộ thành viên HTX, THT được cải thiện rõ rệt, thu nhập của các hộ thành viên từng bước được nâng cao. Các HTX, THT đảm bảo tiêu thụ sản phẩm do các hộ thành viên sản xuất, giảm chi phí đầu vào do được sử dụng dịch vụ, sản phẩm của chính HTX, THT tạo ra với mức giá ưu đãi cho thành viên. Ngoài ra các HTX, THT còn tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình của các hộ thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Các HTX, THT khi thành lập và hoạt động luôn có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, xã hội. Các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các HTX thành lập và liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị, tương trợ lẫn nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quy mô thành viên của HTX ngày càng tăng, cho thấy liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh là nhu cầu, xu thế tất yếu khách quan.

Các HTX đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác giữa các cơ sở sản xuất với nhau thông qua các dịch vụ cho các hộ nông dân là thành viên và không phải là thành viên. HTX đã góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các thành viên, người lao động trong HTX đã mạnh dạn thay đổi tư duy để sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết mở rộng thị trường, quy mô hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập các thành viên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

3. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

Năm 2024, tỉnh đã triển khai 35 đề tài, dự án khoa học và công nghệ, trong đó 30 đề tài, dự án cấp tỉnh, 05 đề tài, dự án cấp quốc gia. Các đề tài, dự án nổi bật như: dự án “Tuyển chọn, nhân giống cây Trám đen”, đề tài “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây hồng không hạt Bắc Kạn”, dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm dược liệu Linh Chi (Ganoderma lucidum), nấm Vân Chi (Trametes versicolor) từ nguyên liệu ngọn, cành, mùn cưa cây Keo tại tỉnh Bắc Kạn", đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn chủng vi sinh vật gốc và sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau, quả hữu cơ tại tỉnh Bắc Kạn” đều được nghiệm thu xếp loại khá. Kết quả các đề tài, dự án được chuyển giao cho các đơn vị, địa phương để hướng dẫn các HTX, hộ dân ứng dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, phối hợp với Trung tâm KH-CN và ĐMST để chế biến, tạo thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao; các cây giống đều có tỷ lệ sống cao, cây cho quả và chất lượng quả tốt, được các HTX, THT ứng dụng và nhân rộng mô hình.

[...]