Chương trình 02/CTr-UBND năm 2021 về hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025

Số hiệu 02/CTr-UBND
Ngày ban hành 05/01/2021
Ngày có hiệu lực 05/01/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 02/CTr-UBND

Hậu Giang, ngày 05 tháng 01 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH HẬU GIANG 5 NĂM 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang xây dựng Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025, với nội dung sau:

Phần một

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP 5 NĂM 2016 - 2020

I. Kết quả thực hiện 5 năm 2016 - 2020

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực I bình quân 5 năm đạt 2,26% (kế hoạch là 3%, 5 năm trước là 1,85%). Giá trị sản xuất khu vực I tăng bình quân 2,54%/năm, trong đó: nông nghiệp tăng 2,39%/năm, lâm nghiệp tăng 2,8%/năm, thủy sản tăng 5,1%/năm (theo giá so sánh năm 2010).

(2) Khu vực I chiếm 26,53% trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 (kế hoạch là 24,34%), tỷ trọng khu vực I đã giảm 4,04% trong 5 năm. Cơ cấu giá trị sản xuất khu vực I chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản năm 2015 là 87,6% - 0,8% - 11,6%, đến năm 2020 tương ứng là 86,86% - 1,04% - 12,1%, trong đó qui mô thủy sản tăng dần và nông nghiệp giảm dần.

(3) Xây dựng công nhận mới 21 xã nông thôn mới (kế hoạch 16 xã), đạt 117,8% kế hoạch, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 32/51 xã đạt 62,7% tổng số xã (năm 2015 là 12/54 xã, kế hoạch 28/54 xã, đạt 51,8% tổng số xã). Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 41 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015.

(4) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 3% (năm 2015 là 1,8%, kế hoạch 3%), đạt 100% kế hoạch.

(5) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 97%, vượt 2% kế hoạch (năm 2015 là 93,1%, kế hoạch 95%), trong đó sử dụng nước sạch 82,5%.

2. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực

a) Sản xuất nông nghiệp

Trong nông nghiệp, giá trị sản xuất tăng bình quân 2,33%, tỷ trọng ngành trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ năm 2015 là 80,28% - 11,76% - 7,95%, đến năm 2020 tương ứng là 79,85% - 11,54% - 8,71%, cơ cấu này cho thấy ngành trồng trọt đã giảm về qui mô nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp tăng chậm.

Ngành trồng trọt: Giá trị sản xuất tăng bình quân 2,4%/năm, trong đó:

+ Cây lúa: Là cây trồng chủ lực, diện tích gieo trồng năm 2020 là 198.236 ha, đạt 103,1% so với kế hoạch và giảm bình quân 0,79%/năm (năm 2015 là 204.727 ha). Sản lượng ước 1.294.001 tấn, đạt 103,5% kế hoạch và tăng bình quân 0,4%/năm; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt trên 70%. Tăng trưởng sản xuất lúa thể hiện qua việc tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho nông dân và chương trình an ninh lương thực quốc gia.

+ Cây mía: Là cây có lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do giá cả luôn biến động theo chiều hướng cung vượt cầu, tình trạng buôn lậu qua biên giới khó kiểm soát, thu nhập của người trồng mía ngày càng giảm, nông dân đã chuyển sang cây trồng khác. Đến năm 2020 diện tích mía còn 5.909 ha, giảm 5.681 ha so với năm 2015 (năm 2015 là 11.590 ha). Sản lượng đạt 590.900 tấn, giảm bình quân 10,9%/năm.

+ Cây rau màu các loại (bao gồm cây bắp): Diện tích trồng đến cuối năm 2020 là 25.465 ha (năm 2015 là 19.941 ha), sản lượng đạt 331.042 tấn, tăng bình quân 8,14%/năm, đạt 111,3% kế hoạch. Cơ cấu rau màu thay đổi theo hướng lựa chọn những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được trồng tập trung.

+ Cây ăn trái: Do hiệu quả kinh tế cao cộng với khai thác được lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động, cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản, như: bưởi Năm roi, cam mật, cam sành, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, mít… Diện tích cây ăn quả tăng từ 30.743 ha năm 2015 lên 41.687 ha năm 2020, tăng bình quân 6,28%/năm, đạt 100% kế hoạch. Sản lượng khoảng 466.114 tấn, tăng bình quân 14,8%/năm, đạt 126,3% kế hoạch.

Trong sản xuất nông nghiệp tỉnh đã tập trung đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh, đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu, tham gia thị trường khá tốt cho 12 nông sản chủ lực và các nông sản này đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tình hình sản xuất tiêu thụ, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được các doanh nghiệp và người sản xuất quan tâm thực hiện để giải quyết đầu ra cho nông sản, chủ yếu trên 4 lĩnh vực: lúa gạo, mía đường, thủy sản, cây ăn trái.

Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả được nhân rộng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 34.679 mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế được nông dân ứng dụng rộng rãi, trong đó có 22.335 mô hình thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm; có 12.344 mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, một số hộ có doanh thu 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm, góp phần nâng doanh thu bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác khoảng 92,6 triệu đồng/ha/năm với lợi nhuận trên 30%.

Ngành chăn nuôi: Giá trị sản xuất tăng bình quân 2,87%/năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi nên việc khôi phục đàn chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, quy mô đàn gia súc giảm, đàn gia cầm tăng chậm. Các mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm đang được nhân rộng và từng bước phát triển theo hướng kinh tế trang trại, toàn tỉnh có 14 trang trại chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Tổng đàn gia súc, gia cầm đến năm 2020: đàn heo 98.300 con, tăng bình quân âm 4,98%/năm, đạt 114,3% kế hoạch (năm 2015 là 126.900 con); đàn gia cầm 4.525.200 con, tăng bình quân 3,3%/năm, đạt 105,6% kế hoạch (năm 2015 là 3.689.000 con); đàn trâu 1.455 con, tăng bình quân âm 1,18%/năm, đạt 88,7% kế hoạch (năm 2015 là 1.539 con); đàn bò 3.681 con, tăng bình quân 10,2%/năm, đạt 105,2% kế hoạch (năm 2015 là 2.241 con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng 32.306 tấn, đạt 80,77% kế hoạch. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, thiệt hại lớn nhất là dịch tả heo Châu Phi (năm 2019) đã tiêu hủy gần 55.000 con, chiếm 36% tổng đàn heo; tổng thiệt hại ước tính trên 110 tỷ đồng, các địa phương đã hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại đúng quy định.

b) Lĩnh vực thủy sản

Thủy sản là thế mạnh thứ hai sau cây lúa, đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GLobalGAP, hình thành vùng nuôi tập trung như cá tra ở Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, cá đồng Vị Thủy, Long Mỹ. Một số loài thủy sản của Hậu Giang đã được đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến như cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang. Ngoài ra, mô hình nuôi các loài thủy đặc sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi như mô hình nuôi ba ba, cua đinh, nuôi lươn trong bể,... hàng năm đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành thủy sản. Công tác quản lý chất lượng giống, thuốc, thức ăn, chế phẩm sinh học, quản lý môi trường được quan tâm thực hiện, góp phần đưa năng suất, chất lượng và hiệu quả nghề nuôi tăng qua các năm. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 4,26%/năm, có quy mô chiếm 12,1% trong cơ cấu khu vực I. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 8.110,5 ha, tăng bình quân 3,48%/năm, sản lượng 76.442 tấn, tăng bình quân 4,72%/năm.

c) Lâm nghiệp và đa dạng sinh học

Lâm nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 5.640 ha đất rừng, trong đó diện tích có rừng 3.320 ha, tăng 729 ha so với năm 2015. Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lâm nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ người dân triển khai các mô hình lâm nghiệp có hiệu quả như: “Trồng Tràm cừ trên liếp”; “Trồng tiêu dưới gốc tràm”; “Trồng cây Tràm bông vàng kết hợp trồng bông súng tím dưới mương liếp”; “Trồng Keo lai trên liếp”...; từ đó đã góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 3%, tăng 1,38% so với năm 2015. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái theo đúng quy chế quản lý rừng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của chủ rừng, không để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Công tác bảo vệ đa dạng sinh học được chú trọng, các mô hình nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế cao, toàn tỉnh có 224.408 cá thể.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ