Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2016 về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 33/CT-TTg |
Ngày ban hành | 17/12/2016 |
Ngày có hiệu lực | 17/12/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2016 |
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, đồng thời tập trung ban hành cơ chế, chính sách phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020. Với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vui tươi, yên bình, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước;
b) Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính;
c) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý và ổn định; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam;
d) Thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá;
b) Chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm (biên giới phía Bắc, Tây Nam; các tỉnh, thành phố lớn nơi phát sinh luồng hàng...) và đối với các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...);
c) Chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế, chấn chỉnh công tác hoàn thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là chi lương, thưởng trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) hoạt động an toàn, thông suốt; tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ;
b) Chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi, kinh doanh tiền mặt mệnh giá nhỏ lẻ trái phép.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán;
b) Triển khai hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vật nuôi và vắc xin, hóa chất sát trùng theo quy định cho nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, vui xuân đón Tết.
5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc...; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân;
b) Chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh đối với vùng thiên tai bão, lũ; có phương án bảo đảm đủ thuốc thiết yếu hỗ trợ phục vụ nhân dân vùng thiên tai, bão, lũ;
c) Quản lý chặt chẽ và bảo đảm chất lượng giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.
6. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông, các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật không được phép tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải;
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định;
c) Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường cửa ngõ các đô thị lớn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.
7. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: