Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 25/CT-TTg
Ngày ban hành 05/12/2013
Ngày có hiệu lực 05/12/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/CT-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH NHẰM BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ 2014

Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương trong cả nước, kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng cả năm ước tăng 6,2% - 6,3%, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, hàng tồn kho giảm, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá, tỷ lệ nhập siêu ở mức thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do sức mua chưa được cải thiện nhiều; lạm phát tuy được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại; thu ngân sách khó khăn; tình hình cháy nổ xảy ra ở nhiều địa phương; tai nạn giao thông tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều vụ nghiêm trọng vẫn còn xảy ra; giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng cùng với diễn biến thời tiết bất thường, nhất là ảnh hưởng của các cơn bão và lũ lụt lớn tại khu vực miền Trung vừa qua có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.

Để hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2013 và chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014 nhất là bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân được đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nhất là về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập và giải thể doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên, tiếp cận vốn, chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động tính toán kế hoạch trực tết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán;

b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết; có biện pháp bảo đảm đủ nguồn hàng nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất thiết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán;

c) Chủ động ứng phó và có biện pháp khắc phục hậu quả với thiên tai, bão lũ; tổ chức tốt việc cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ kịp thời để nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, không để dân đói và có biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra;

d) Tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, tăng cường quản lý chi ngân sách theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm; bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ phục vụ an sinh xã hội;

đ) Thực hiện kịp thời đầy đủ các chế độ, chính sách đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ lương thực, thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn trên địa bàn để mọi người đều no đủ, vui xuân đón Tết; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai bão lũ.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều hòa cung cầu trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước; giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa và bán giá bình ổn cho người dân;

b) Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai với giá cả hợp lý và chất lượng tốt;

c) Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép nhất là ở những khu vực, địa bàn trọng yếu, địa phương giáp biên giới; quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp can thiệp kịp thời đối với các hành vi thu gom nông sản, thực phẩm trái quy định; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo ngành điện rà soát kế hoạch cung ứng điện, đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, khu dân cư.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật giá và các văn bản hướng dẫn liên quan. Kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá, hàng hóa, dịch vụ công ích, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định;

b) Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế; tăng cường quản lý chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014;

b) Ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng; tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

a) Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả... đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết;

b) Triển khai hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi và vắc xin, hóa chất sát trùng cho nhân dân các địa phương vùng thiên tai bão, lũ để nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và bảo đảm vệ sinh môi trường;

c) Có biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm; phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng một cách hiệu quả, kịp thời để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm;

d) Phối hợp với các địa phương rà soát các công trình đê điều, đập thủy lợi bị hư hỏng và có nguy cơ bị vỡ để có giải pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa.

6. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

[...]