Chỉ thị 275-TTg năm 1974 về công tác lương thực vụ mùa 1974 và thi hành rộng khắp, triệt để quyết định 75-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 275-TTg
Ngày ban hành 01/11/1974
Ngày có hiệu lực 16/11/1974
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Chu Hoàng Anh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 275-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1974 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC LƯƠNG THỰC VỤ MÙA 1974 VÀ THI HÀNH RỘNG KHẮP,TRIỆT ĐỂ QUYẾT ĐỊNH SỐ 75-CP NGÀY 8-4-1974 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Vụ chiêm xuân vừa qua, sản xuất đạt thắng lợi lớn, công tác huy động lương thực nhiều tỉnh đã vượt kế hoạch, trên 400 hợp tác xã nông nghiệp đã hoàn thành mức nghĩa vụ cả năm, và nhiều hợp tác xã đã trả hết nợ Nhà nước. Sau khi huy động, đời sống nông dân được ổn định, nhiều hợp tác xã ở các tỉnh được mùa đã có quỹ dự trữ lương thực, hiện nay ở nhiều địa phương  nông dân xã viên hăng hái phấn khởi lao động sản xuất và làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

Tuy vậy, cũng còn có những nhược điểm: việc chỉ đạo thu nợ và mua ngoài nghĩa vụ còn yếu, công tác phân phối lương thực trong nhiều hợp tác xã chưa theo đúng quy định trong chỉ thị số 154-TTg ngày 17-6-1974 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý thị trường còn yếu, không được liên tục và không đồng bộ.

Vụ mùa năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, nhiều nơi năng suất và sản lượng có triển vọng đạt và vượt kế hoạch. Do vụ chiêm xuân được mùa, lương thực dự trữ trong nông dân khá, giá thị trường lương thực hạ xuống nhiều so với trước. Các hợp tác xã đang tập trung thu hoạch lúa mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ đông và tích cực chuẩn bị để đạt vụ chiêm xuân 1975 thắng lợi. Đây là những thuận lợi cơ bản để thực hiện tốt các chủ trương về công tác lương thực của Đảng và Nhà nước, bao gồm việc ăn chia phân phối lương thực trong hợp tác xã; thu mua nắm nguồn lương thực trong tay Nhà nước; tăng cường quản lý lương thực; thống nhất quản lý và xoá bỏ thị trường tự do về lương thực.

Nghị quyết 228-NQ/TW của Bộ Chính trị trung ương Đảng đã ghi rõ: “Ngoài phần lương thực phân phối chung, Nhà nước thống nhất quản lý thu mua, phân phối lương thực, xoá bỏ thị trường tự do về lương thực cả ở thành thị và nông thôn”.

Quyết định số 75-CP của Hội đồng Chính phủ đã nêu rõ những việc phải làm để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về việc thống nhất quản lý lương thực, xoá bỏ thị trường tự do về lương thực. Chỉ thị số 154-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ nội dung công tác cụ thể phải làm để thực hiện nghị quyết của trung ương Đảng và của Chính phủ. Nhiệm vụ công tác lương thực hiện nay là phải: tập  trung sức làm tốt việc thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa và các lương thực khác, chống rơi vãi lãng phí; ra sức đẩy mạnh sản xuất vụ đông; ráo riết chuẩn bị để giành vụ chiêm xuân 1975 thắng lợi một cách toàn diện; riêng về lương thực phải chú trọng cả lúa, ngô, các loại cốc, màu lương thực. Một mặt khác, phải hết sức tiết kiệm lương thực, phân phối và sử dụng lương thực một cách hợp lý, bảo đảm nhu cầu tối cần thiết cho đời sống nhân dân, bảo đảm nhu cầu của toàn xã hội. Muốn được như vậy, phải chỉ đạo chặt chẽ việc ăn chia phân phối lương thực trong hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh việc thu mua nắm nguồn lương thực trong tay Nhà nước, tăng cường quản lý lương thực, chống rơi vãi, hư hỏng, lãng phí, tham ô lương thực của Nhà nước, của tập thể và trong nhân dân; quản lý thị trường lương thực, xoá bỏ thị trường tự do về lương thực cả ở thành thị và nông thôn… Những công tác nói trên quan hệ mật thiết với nhau và đều phải làm tốt. Nếu một công tác hoặc một số địa phương làm không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các công tác khác và các địa phương khác. Vì vậy, các công tác này phải được tiến hành một cách đồng đều ở các địa phương và phải đồng bộ, ăn khớp.

Sau đây là những công tác chính cần phải làm tốt để thực hiện Nghị quyết của trung ương Đảng và Chính phủ về công tác lương thực.

1. Làm tốt việc huy động lương thực

a) Huy động lương thực trong nghĩa vụ:

Đối với mức nghĩa vụ ổn định cả năm, cả hợp tác xã và nông dân cá thể, trừ phần đã làm trong vụ chiêm xuân, số còn lại nhất thiết phải hoàn thành, bảo đảm chất lượng tốt nhanh gọn. Những hợp tác xã  và cá nhân những năm trước còn thiếu nghĩa vụ, năm nay phải làm bù cho nghĩa vụ năm trước chưa hoàn thành. Ở những nơi có người đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, phải thực hiện theo đúng quyết định số 129-CP ngày 25-5-1974 của Chính phủ là “Hợp tác xã phải chuyển phần lương thực của những người đi xây dựng cơ sở mới vào nghĩa vụ bán lương thực cho Nhà nước để Nhà nước  phân phối cho những người này ơ cơ sở mới”. Uỷ ban hành chính các cấp và ngành lương thực thực phẩm căn cứ vào số người được chuyển từ miền xuôi lên các vùng kinh tế mới để giao mức nghĩa vụ phải tăng thêm cho các hợp tác xã có người đi.

b) Việc thu nợ phải phấn đấu với mức tích cực nhất:

Tinh thần chung trong vụ này là phải trả hết số nợ đã vay của Nhà nước trong những năm mất mùa, hợp tác xã chịu trách nhiệm bảo đảm trả nợ cho Nhà nước; các xã viên vay ăn phải thanh toán sòng phẳng với hợp tác xã. Trường hợp vì lý do chính đáng chưa trả hết nợ cho Nhà nước, phải xét cụ thể. Phải làm cho mọi người nhận thức rằng: lúc nông dân gặp khó khăn, Nhà nước đã hết sức giúp đỡ thì đến mùa thu hoạch nông dân phải trả nợ Nhà nước, để Nhà nước có lương thực bảo đảm các nhu cầu của xã hội.

c) Mùa lương thực ngoài nghĩa vụ:

Song song với việc thu mua trong nghĩa vụ và thu nợ, phải hết sức coi trọng trong việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ, nhất là ở những nơi thu hoạch khá, đã hoàn thành nghĩa vụ và  trả hết nợ. Phải giải thích cho cán bộ và nông dân hết sức tiết kiệm để dành thêm lương thực bán cho Nhà nước. Những hợp tác xã  đã làm xong nghĩa vụ cả năm trong vụ chiêm xuân, vụ này cần dành thóc trả hết nợ và bán ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước.

Nhà nước huy động lương thực bao gồm cả thu thuế, thu mua trong nghĩa vụ, thu nợ và thu ngoài nghĩa vụ đều qua hợp tác xã. Người lao động sau khi được phân phối mức ăn, nếu có nhiều công điểm, sẽ được phân phối thêm bằng tiền, hợp tác xã không chia thóc về cho xã viên quá mức ăn của mỗi bộ.

Ngành lương thực phải bảo đảm thu mua kịp thời và hết số lương thực hợp tác xã cần bán cho Nhà nước, và bảo đảm thuận lợi cho dân. Các tỉnh có kế hoạch thu mua thóc đặc sản, cần chú ý chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ. Các tỉnh khác cũng phải cố gắng thu mua để bảo đảm nhu cầu của địa phương mình. Đi đôi với mua thóc, phải chú trọng với thu mua ngô và màu lương thực, để tăng thêm khối lượng lương thực trong tay Nhà nước. Ở những địa phương có sản xuất nhiều sắn, cần vận động nhân dân đào dỡ, chế biến và bán cho Nhà nước, hoặc đem bán cho các cơ sở chế biến của Nhà nước; giúp các hợp tác xã sản xuất nhiều sắn và xây dựng cơ sở chế biến.

2. Chỉ đạo chặt chẽ việc phân phối lương thực trong hợp tác xã nông nghiệp.

Vụ chiêm xuân vừa qua, các tỉnh đã chỉ đạo thí điểm một số hợp tác xã phân phối lương thực theo tinh thần quyết định số 75-CP của Hội đồng Chính phủ. Vụ mùa này, các địa phương phải quyết tâm làm phổ biến trong các hợp tác xã. Chỉ thị số 154-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Chính sách chung của Đảng và Nhà nước là nhằm tạo điều kiện để mọi người hăng hái lao động và được hưởng mức ăn cần thiết; những người lao động giỏi, lao động nhiều và nặng nhọc mức ăn phải cao hơn những người lao động nhẹ, lao động ít hoặc chưa lao động. Việc ăn chia phân phối lương thực trong hợp tác xã không thể bình quân, nhưng không nên tạo ra những chênh lệch quá lớn giữa các hộ xã viên; một số người được thu về một số lương thực rất lớn, không ăn hết, đem bán ở thị trường tự do, tiêu dùng lãng phí, một số ít dùng để cho vay lấy lãi; một số khác thì mức ăn quá thấp…”.

Để bảo đảm những nhu cầu nói trên, Ủy ban Nông nghiệp trung ương cùng với Bộ Lương thực và thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện; chú trọng hướng dẫn và chỉ đạo các hợp tác xã giải quyết tốt các khâu quan trọng sau đây:

- Đối với những người vì ít công lao động, không được phân phối đủ mức ăn cần thiết, phải có kế hoạch tổ chức và hướng dẫn lao động sản xuất để có thêm mức ăn và hợp tác xã cần căn cứ vào lao động và yêu cầu về đời sống mà xem xét để phân phối thêm lương thực cho từng hộ, mức phân phối và giá cả do hợp tác xã bàn bạc dân chủ mà quyết định.

- Đối với những người có nhiều sức lao động, có nhiều công điểm được phân phối lương thực mức ăn cao hơn, nhưng không quá mức ăn cần thiết cho người lao động. Số công điểm còn lại, được phân phối bằng tiền.

- Lập quỹ dự trữ và quản lý chặt chẽ dự trữ lương thực của hợp tác xã, theo tinh thần năm được mùa, những nơi được mùa, phải tiết kiệm để đề phòng những năm mất mùa khó khăn. Phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để lãng phí, tham ô.

Sau khi huy động và phân phối lương thực, Uỷ ban hành chính các cấp và các cơ quan có trách nhiệm về sản xuất  và quản lý lương thực phải nắm tình hình những vùng thu hoạch kém, những hợp tác xã, những hộ xã viên có mức ăn quá thấp, để có kế hoạch hướng dẫn giúp đỡ sản xuất và có biện pháp bảo đảm đời sống của dân.

3. Tăng cường quản lý bảo quản, chế biến, lưu thông phân phối, vân chuyển lương thực của Nhà nước.

Phải khắc phục những sơ hở gây ra hao hụt, hư hỏng, lãng phí, lợi dụng, tham ô lương thực của Nhà nước. Phải hết sức tăng cường công tác thu mua, bảo quản và chế biến các sản phẩm như ngô, bột mì, các loại khoai, sắn để tăng thêm khối lượng lương thực bảo đảm cân đối về lương thực của Nhà nước. Trong việc phân phối sử dụng ở các cấp, các cơ sở; một mặt phải bảo đảm phục vụ tốt cho dân nhưng mặt khác phải chống tệ khai man để lấy quá tiêu chuẩn lương thực, hết sức tránh trường hợp có nhiều người, Nhà nước hoặc hợp tác xã phải phân phối lương thực hai, ba lần.

Làm tốt những công tác nói trên, sẽ tiết kiệm được lương thực của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu về đời sống của dân và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thị trường, xoá bỏ thị trường tự do về lương thực.

4. Tăng cường quản lý thị trường lương thực, xoá bỏ thị trường tự do về lương thực.

[...]