Chỉ thị 2373/CT-BNN-TCCB năm 2008 về phát động phong trào thi đua vì một nền nông nghiệp việt nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2373/CT-BNN-TCCB
Ngày ban hành 06/08/2008
Ngày có hiệu lực 06/08/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 2373/CT-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA VÌ MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO, BẢO ĐẢM AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Bộ quan tâm chỉ đạo, bước đầu thu được kết quả tốt.

Tuy vậy, chất lượng ở nhiều lĩnh vực công tác trong ngành còn hạn chế; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát và ngăn chặn triệt để; công tác quản lý chất lượng có lúc, có nơi còn buông lỏng; sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản kém chất lượng xuất hiện nhiều trên thị trường, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân, có tác động xấu đến an sinh xã hội và xuất khẩu.

Để nhanh chóng khắc phục tồn tại, góp phần nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác trong ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chỉ thị:

1. Phát động trong toàn ngành phong trào: “Thi đua vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”

1.1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2008 đến hết năm 2010

1.2. Mục tiêu:

a. Động viên cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội tích cực hưởng ứng tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

b. Phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các đơn vị, trên cơ sở nội dung thi đua chung, tự đề ra chỉ tiêu cụ thể để thực hiện; ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nông dân ngay từ những công việc làm hàng ngày.

c. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

1.3. Nội dung thi đua:

a. Lĩnh vực trồng trọt:

- Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trên mỗi đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

- Phát triển sản xuất trồng trọt an toàn, trước mắt tập trung xây dựng những vùng rau, quả, chè, thực hiện tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm này.

- Thực hiện phát triển mạnh các cây trồng công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, theo quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm cao su, cà phê, tiêu, điều và chè.

b. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm:

- Trên cơ sở chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tiến hành quy hoạch lại việc tổ chức các cơ sở giết mổ chế biến tập chung và xử lý chất thải.

- Phát triển chăn nuôi hàng hoá theo hướng gia trại, trang trại an toàn dịch bệnh, gắn với tổ chức các cơ sở giết mổ chế biến tập trung và xử lý chất thải.

c. Lâm nghiệp

- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng chống chặt phá rừng trái phép, cháy rừng và sâu bệnh hại rừng.

- Chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật mới, bảo đảm giống mới có chất lượng cao cho nông dân và các tổ chức trồng rừng.

- Đẩy mạnh huy động nguồn lực để triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006- 2020; Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá, thực hiện tốt cam kết quốc tế về lâm nghiệp.

d. Diêm nghiệp

- Nâng cao hiệu quả áp dụng công nghệ mới sản xuất muối sạch, phát triển sản xuất muối tinh, nâng cao chất lượng muối ăn, cải thiện dời sống diêm dân.

- Đầu tư khoa học công nghệ, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, xây dựng đồng muối công nghiệp bảo đảm chất lượng cao.

- Đẩy mạnh sản xuất muối công nghiệp thay thế nhập khẩu.

đ. Thuỷ, hải sản:

[...]