Chỉ thị 206-TTg năm 1974 về việc làm giá bán buôn xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 206-TTg |
Ngày ban hành | 13/08/1974 |
Ngày có hiệu lực | 28/08/1974 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Đặng Việt Châu |
Lĩnh vực | Thương mại |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 206-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 1974 |
VỀ VIỆC LÀM GIÁ BÁN BUÔN XÍ NGHIỆP
Từ năm 1971 đến nay, căn cứ vào chỉ thị số 168-TTg ngày 15-6-1971 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản tiếp theo, các Bộ, Tổng cục đã tiến hành chỉ đạo thí điểm giá bán buôn xí nghiệp ở hơn 30 xí nghiệp công nghiệp trung ương chiếm trên 50% giá trị sản lượng công nghiệp trung ương; một số tỉnh cũng đã tiến hành chỉ đạo thí điểm giá bán buôn xí nghiệp trong công nghiệp quốc doanh địa phương.
Việc làm giá bán buôn xí nghiệp, kết hợp với các biện pháp khác, đã có tác dụng khuyến khích các xí nghiệp tăng cường quản lý sản xuất và kinh doanh: giảm chi phí không hợp lý, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, tăng năng suất lao động, sử dụng tốt hơn công suất thiết bị để bảo đảm kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tác dụng của giá bán buôn xí nghiệp còn bị hạn chế, do các định mức kinh tế kỹ thuật trong sản xuất chưa đầy đủ và chưa có hệ thống, việc quản lý các mặt chưa chặt chẽ, chế độ hợp đồng kinh tế thực hiện chưa nghiêm chỉnh, việc cung cấp vật tư còn có thiếu sót (không đúng phẩm chất, trọng lượng, địa điểm, thời gian và giá cả…); mặt khác việc làm giá bán buôn xí nghiệp chậm mở rộng do còn có ngành chưa nhận thức rõ làm giá bán buôn xí nghiệp là một công tác cải tiến quản lý phải tiến hành từng bước và trong nhiều năm, trước mắt là khắc phục lối làm ăn tuỳ tiện, buông lỏng quản lý, nên đã đề ra yêu cầu quá cao hoặc còn do dự chưa tích cực làm.
Hiện nay, sản xuất của các xí nghiệp đang đi dần vào thế ổn định, việc quản lý kinh tế cũng được tăng cường một bước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm giá bán buôn xí nghiệp .
Trong hai năm 1974-1975, cần mở rộng việc làm giá bán buôn xí nghiệp cho các sản phẩm và dịch vụ của công nghiệp trung ương; xúc tiến làm giá bán buôn xí nghiệp đối với công nghiệp địa phương; áp dụng các hình thức giá bán buôn xí nghiệp thích hợp đối với các ngành giao thông vận tải, lâm nghiệp, lưu thông vật tư và thương nghiệp; tăng cường quản lý giá xây dựng cơ bản…Đồng thời cần chuẩn bị các mặt để khi ngành nào có điều kiện thì xây dựng giá bán buôn xí nghiệp theo chi phí xã hội áp dụng trong nhiều năm, với chất lượng cao hơn và phạm vi rộng hơn, phục vụ tốt việc cải tiến quản lý kinh tế trong kế hoạch dài hạn.
Để thúc đẩy các xí nghiệp tăng cường quản lý tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm hao phí vật chất, hạ giá thành, các ngành, các địa phương và cơ sở cần nắm vững nội dung các chỉ thị trước đây về làm giá bán buôn xí nghiệp, rút kinh nghiệm các đợt thí điểm, để tiếp tục chỉ đạo xây dựng giá bán buôn xí nghiệp, với diện rộng hơn, chất lượng tốt hơn.
1. Điều kiện để làm giá bán buôn xí nghiệp:
Giá bán buôn xí nghiệp cần được mở rộng, nhưng phải bảo đảm đạt được tác dụng thật sự; vì vậy, sẽ tiến hành làm giá bán buôn xí nghiệp ở những xí nghiệp có các điều kiện sau đây:
- Kế hoạch sản xuất tương đối ổn định (đối với những mặt hàng chính);
- Xây dựng được các định mức kinh tế kỹ thuật chủ yếu;
- Hạch toán đúng đắn chi phí sản xuất và giá thành theo chế độ của Nhà nước đã ban hành.
2. Diện làm giá bán buôn xí nghiệp 1974-1975:
Trong ngành công nghiệp, cần tiến hành xây dựng, xét duyệt và công bố sớm (chậm nhất là vào đầu quý IV-1974) giá bán buôn xí nghiệp, để áp dụng trong 2 năm 1974-1975, đối với:
- Những xí nghiệp công nghiệp đã làm giá bán buôn xí nghiệp trong những năm 1971-1973;
- Một số xí nghiệp công nghiệp khác, tuy vừa qua chưa làm giá bán buôn xí nghiệp, nhưng đã đủ điều kiện và đã chuẩn bị tốt việc làm giá bán buôn xí nghiệp.
Đối với những xí nghiệp chưa đủ điều kiện, cần tích cực phấn đấu ổn định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật chủ yếu, tăng cường hạch toán giá thành; trên cơ sở đó, tiến hành tính toán, xây dựng giá bán buôn xí nghiệp cho năm 1975.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm cùng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xây dựng giá bán buôn xí nghiệp thích hợp cho từng loại sản phẩm của công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương.
Đối với những sản phẩm mà điều kiện sản xuất giữa các vùng, các địa phương giống nhau thì chỉ đạo giá bán buôn xí nghiệp thống nhất toàn miền Bắc.
Đối với những sản phẩm mà điều kiện sản xuất giữa các vùng, các địa phương có chênh lệch thì chỉ đạo giá theo vùng, theo địa phương.
Đối với những sản phẩm gồm nhiều mặt hàng thay đổi theo yêu cầu của thị trường, thì làm giá bán buôn xí nghiệp những mặt hàng chuẩn; căn cứ vào giá bán buôn xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp những mặt hàng chuẩn mà áp dụng hình thức thu tài chính thích hợp đối với các mặt hàng cùng loại.
Trong các ngành kinh tế khác, cần vận dụng hình thức giá bán buôn xí nghiệp thích hợp như sau:
- Trong giao thông vận tải, cần xây dựng giá vận tải (gồm giá thành vận tải hợp lý và lợi nhuận xí nghiệp theo định mức) nhằm thúc đẩy các xí nghiệp kinh doanh vận tải phấn đấu tăng năng suất, sử dụng tốt phương tiện, hạ giá thành vận tải.
- Trong xây dựng. Ủy ban Vật giá Nhà nước cần kết hợp với Bộ Xây dựng có biện pháp tăng cường quản lý giá xây dựng, trước mắt phải chỉ đạo giá vật liệu giao tại công trường (gắn với việc xây dựng tổ chức kinh doanh cung ứng vật liệu tại công trường) để có cơ sở xây dựng và thống nhất quản lý đơn giá, giá dự toán. Năm 1974 cần tiến hành thí điểm sớm ở một vài nơi, rồi mở rộng dần ra.
- Trong lâm nghiệp, giá bán buôn xí nghiệp cần được áp dụng trong ngành khai thác gỗ, tre… nhằm thúc đẩy các lâm trường phấn đấu hạ chi phí, nhất là chi phí vận xuất, vận chuyển. Đồng thời với biện pháp giá, phải tiến hành các biện pháp kinh tế, kỹ thuật khác để vừa bảo đảm thực hiện chi phí hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ và tái sinh rừng. Tổng cục Lâm nghiệp cần tổ chức thí điểm ở một vài lâm trường trung ương, rút kinh nghiệm từng bước thực hiện trong toàn ngành.
- Trong lưu thông vật tư, cần dựa vào nguyên tắc quản lý thống nhất toàn ngành để quy định chi phí lưu thông hợp lý, lợi nhuận định mức, từ đó xác định chiết khấu vật tư, đưa việc quản lý đi vào nề nếp.
- Trong lưu thông thương nghiệp, cần soát xét lại mức chiết khấu hợp lý cho từng loại hàng, có phân biệt giữa hàng thiết yếu và thứ yếu, chú trọng quản lý mức chiết khấu những hàng thiết yếu, chiếm doanh số lớn, thúc đẩy cải tiến quản lý, hạ chi phí lưu thông, bảo đảm chất lượng hàng hoá và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Trên cơ sở kinh nghiệm chỉ đạo chiết khấu của ngành nội thương mà vận dụng vào các ngành lương thực, ngoại thương, y tế, văn hóa…