Chỉ thị 168-TTg năm 1971 về xây dựng giá bán buôn xí nghiệp tạm thời và định mức lợi nhuận xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 168-TTg
Ngày ban hành 15/06/1971
Ngày có hiệu lực 30/06/1971
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Côn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 168-Tg

Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 1971 

 

CHỈ THỊ 

VỀ VIỆC XÂY DỰNG GIÁ BÁN BUÔN XÍ NGHIỆP TẠM THỜI VÀ ĐỊNH MỨC LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP

Việc định giá bán buôn xí nghiệp và định mức lợi nhuận xí nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng.

Giá bán buôn xí nghiệp bao gồm giá thành hợp lý của sản phẩm cộng với lợi nhuận xí nghiệp định mức. Nếu xí nghiệp làm ăn khá, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đạt các định mức kinh tế - kỹ thuật, thì thực hiện được giá thành hợp lý và xí nghiệp đã có lợi nhuận để lập các quỹ của xí nghiệp và làm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Nếu xí nghiệp làm ăn tốt, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, thì giá thành hạ, lợi nhuận tăng và xí nghiệp có thêm điều kiện chủ động cải tiến và mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống của công nhân, viên chức trong xí nghiệp, đồng thời tích lũy nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước. Nếu xí nghiệp làm ăn không tốt, không hoàn thành kế hoạch Nhà nước, thì giá thành cao hơn giá thành hợp lý và lợi nhuận giảm, thậm chí xí nghiệp không có lợi nhuận hoặc bị lỗ vốn, ảnh hưởng ngay đến lợi ích của xí nghiệp và lợi ích của Nhà nước.

Giá bán buôn xí nghiệp cùng với giá bán buôn công nghiệp phân định rõ: - Phần lợi nhuận xí nghiệp (số chênh lệch giữa giá bán buôn xí nghiệp và giá thành thực tế của sản phẩm) mà xí nghiệp có quyền chủ động sử dụng một phần lớn theo chế độ của Nhà nước – và phân tích lũy tập trung của Nhà nước mà xí nghiệp có nghĩa vụ nộp đầy đủ cho ngân sách Nhà nước dưới hai hình thức thu quốc doanh (số chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiệp) và phần lợi nhuận xí nghiệp trích nộp ngân sách Nhà nước.

Cho nên xây dựng giá bán buôn xí nghiệp là rất cần thiết và cấp bách, nhằm mục đích:

- Góp phần thúc đẩy cải tiến quản lý xí nghiệp theo chế độ hạch toán kinh tế, khuyến khích tăng năng suất lao động, tiết kiệm tiêu dùng vật tư, nâng cao mức sử dụng công suất thiết bị, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khắc phục cách làm ăn không tính toán, theo lối hành chính cung cấp.

- Trên cơ sở xác định rõ quyền lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Nhà nước, và sự thống nhất giữa lợi ích của toàn xã hội, của tập thể và của cá nhân người lao động, giải quyết một bước hợp lý hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, xí nghiệp và công nhân viên chức, đề cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động của xí nghiệp, làm cho công nhân, viên chức vì lợi ích của xí nghiệp và của bản thân mình mà quan tâm hơn nữa đến kết quả sản xuất và tiết kiệm.

- Góp phần ổn định sản xuất, tạo điều kiện cho xí nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất theo kế hoạch Nhà nước.

Vì vậy, căn cứ vào đề nghị của Ủy ban Vật giá Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định xây dựng giá bán buôn xí nghiệp và định mức lợi nhuận xí nghiệp như sau:

1. Hiện nay tình hình sản xuất chưa ổn định, công tác hạch toán kế toán chưa tốt, ta lại chưa có kinh nghiệm, nhưng lại phải chấn chỉnh gấp công tác quản lý, cho nên chủ trương trước mắt là làm giá bán buôn xí nghiệp tạm thời để:

- Thi hành trong hai năm 1972, 1973 đối với các xí nghiệp sản xuất tương đối ổn định.

- Thi hành trong năm 1972, sang năm 1973 nếu xét cần thiết sẽ thay đổi, đối với các xí nghiệp đang khôi phục.

Đồng thời phải chuẩn bị điều kiện xây dựng giá bán buôn xí nghiệp chính thức để thi hành trong thời kỳ kế hoạch dài hạn từ năm 1974 về sau.

Giá bán buôn xí nghiệp tạm thời các sản phẩm của các xí nghiệp trọng điểm của trung ương cần làm xong trước ngày 15-8-1971 để áp dụng ngay trong việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1972, giá bán buôn xí nghiệp tạm thời các sản phẩm của các xí nghiệp khác sẽ làm dần cho xong trong những tháng cuối năm 1971 và đầu năm 1972.

Đối với một số ít sản phẩm cơ bản của nền kinh tế quốc dân, cấp bách nhất là than và gỗ, phải đồng thời xác định giá bán buôn công nghiệp và giá cung ứng vật tư.

Phương châm tiến hành là phải nắm vững nguyên tắc của việc tăng cường và cải tiến một bước công tác quản lý và phải bảo đảm yêu cầu về thời gian, kịp phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1972.

2. Giá thành hợp lý làm cơ sở xây dựng giá bán buôn xí nghiệp tạm thời là giá thành kế hoạch năm 1971, có tham khảo các định mức kinh tế - kỹ thuật đã đạt được năm 1964 – 1965, có tính đến điều kiện sản xuất, kỹ thuật hiện nay, loại trừ các chi phí không hợp lệ và tính toán lại những chi phí rõ ràng không hợp lý.

Đối với các chi phí không hợp lệ thì phải loại trừ ngay. Đối với các chi phí không hợp lý thì phải tính đầy đủ đến khả năng phấn đấu khắc phục được trong thời gian tới (thí dụ các vấn đề bảo đảm quy cách, phẩm chất, số lượng, địa điểm giao nhận nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thì phải tập trung sức giải quyết trước hết cho các xí nghiệp trọng điểm, như gỗ chống lò cho khu mỏ Quảng Ninh, than cho các nhà máy điện, v.v…).

Nói chung giá thành làm cơ sở để xây dựng giá bán buôn xí nghiệp tạm thời là giá thành hợp lý của từng xí nghiệp, một số ngành có thể lấy giá thành hợp lý của ngành.

Trong khi xây dựng giá thành hợp lý, cần chú ý đến các khâu nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tiêu hao vật tư, tận dụng công suất thiết bị, vì phấn đấu trên các mặt này mới đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, làm tăng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân. Các mặt khác cũng cần xem xét, nhưng chỉ giải quyết trong phạm vi thật cần thiết và có khả năng giải quyết (ví dụ chỉ nên điều chỉnh giá tài sản cố định trong mợt số trường hợp không hợp lý rõ rệt như tài sản bị địch đánh phá thiệt hại, tính sai giá vật tư và giá thiết bị của Nhà nước).

3. Lợi nhuận xí nghiệp định mức phải nhằm giải quyết đúng đắn các mối quan hệ sau đây:

- Quan hệ giữa yêu cầu tăng cường tập trung vốn của Nhà nước và xác định quyền tự chủ về tài chính của xí nghiệp.

- Quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng.

- Quan hệ giữa khen thưởng và cá nhân và phúc lợi tập thể.

- Quan hệ giữa yêu cầu phát triển sản xuất và khả năng thực hiện (khả năng cung cấp vật tư, thiết bị của Nhà nước, trình độ kỹ thuật, v.v…).

Phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, do đó phải xét yêu cầu cụ thể của từng xí nghiệp và định mức lợi nhuận cho từng xí nghiệp.

Lợi nhuận xí nghiệp định mức bảo đảm cho xí nghiệp lập các quỹ của xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng) và làm nghĩa vụ trích nộp ngân sách Nhà nước.

Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất chủ yếu phục vụ cho xí nghiệp trong việc cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, phát triển mặt hàng, v.v… tạo điều kiện cho xí nghiệp chủ động khai thác khả năng tiềm tàng của mình.

Phải xem xét tình hình cụ thể từng xí nghiệp, đồng thời phải tính đến tất cả các nguồn vốn mà Nhà nước đã quy định để dùng vào việc khuyến khích phát triển sản xuất, (số quỹ khấu hao cơ bản để lại, số thu về biến giá tài sản cố định, số lợi nhuận được trích về sản xuất hàng bằng phế liệu v.v…) để xác định mức quỹ cho thích hợp.

Quỹ khen thưởng dùng để khen thưởng cuối năm cho những người có thành tích trong năm đối với việc hoàn thành kế hoạch và khen thưởng đột xuất cho những người có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động thi đua hoặc trong từng quá trình sản xuất nhất định, những điển hình tốt về bảo quản thiết bị, tài sản, tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm đủ ngày công, giờ công, v.v…

Phải chú ý sử dụng đúng đắn quỹ khen thưởng kết hợp với các chế độ khen thưởng hiện hành do Nhà nước đã quy định và đã được tính trong quỹ lương kế hoạch nhằm phát huy tác dụng đòn bẩy của việc khen thưởng cá nhân.

Quỹ phúc lợi có tác dụng động viên toàn thể những người sản xuất cố gắng nhiều hơn nữa để có thêm điều kiện cải thiện đời sống tập thể của những người lao động về mặt vật chất và tinh thần.

Mức chung cho cả hai quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng tính căn cứ vào tổng số công nhân, viên chức thuộc quỹ lương kế hoạch và theo tiêu chuẩn một người khoảng trên dưới một tháng rưỡi lương bình quân cấp bậc hiện nay và có so sánh với mức năng suất lao động đã đạt được năm 1964 – 1965, đối với những xí nghiệp năm 1964 – 1965 mới đi vào sản xuất, năng suất lao động lúc đó chưa phải là hợp lý, thì phải dựa vào công suất của xí nghiệp đã đạt được mà xét.

Bộ Tài chính cùng các Bộ có liên quan phải nghiên cứu để đề nghị quy định cụ thể, thành chế độ của Nhà nước, việc sử dụng các quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

4. Do ý nghĩa quan trọng và tính chất phức tạp của giá bán buôn xí nghiệp, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng giá bán buôn xí nghiệp.

Các Bộ chủ quản xí nghiệp có nhiệm vụ xét phương án giá thành hợp lý, lập phương án giá bán buôn xí nghiệp đối với từng sản phẩm, phải cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết cho các cơ quan tổng hợp của Nhà nước (Ủy ban Vật giá Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính) cùng phương án giá bán buôn xí nghiệp tạm thời các sản phẩm của các xí nghiệp trọng điểm của trung ương trong tháng 6 và đầu tháng 7 năm 1971.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn các Bộ chủ quản và các xí nghiệp xác định giá thành hợp lý, các cơ quan tổng hợp khác cùng tham gia.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn các Bộ chủ quản và các xí nghiệp xác định mức lợi nhuận xí nghiệp, các cơ quan tổng hợp khác cùng tham gia.

Ủy ban Vật giá Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng giá bán buôn xí nghiệp, phải quy định kế hoạch thi hành, bảo đảm làm xong giá bán buôn xí nghiệp tạm thời ở các xí nghiệp trọng điểm của trung ương trước ngày 15 tháng 8 năm 1971, phải soát lại phương án giá bán buôn xí nghiệp do các Bộ chủ quản xây dựng, chủ trì các cuộc họp gồm thủ trưởng các Bộ tổng hợp (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính v.v…) các Bộ chủ quản để bàn và kiến nghị mức giá bán buôn xí nghiệp.

Tùy theo tính chất từng mặt hàng, giá bán buôn xí nghiệp tạm thời do Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc ủy nhiệm cho Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ chủ quản quy định.

5. Đối với các địa phương, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành tổng hợp và các ngành chủ quản xí nghiệp ở địa phương xây dựng giá bán buôn xí nghiệp ở một số xí nghiệp để rút kinh nghiệm.

Mức lợi nhuận xí nghiệp, nhất là mức quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, phải so sánh với các xí nghiệp trung ương cùng ngành để xác định cho hợp lý theo sự hướng dẫn của Bộ Tàichính.

Phương án giá bán buôn xí nghiệp của những xí nghiệp thí điểm này phải được Ủy ban Vật giá Nhà nước xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thi hành.

Ủy ban Vật giá Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính cần hướng dẫn và giúp đỡ các địa phương làm giá bán buôn xí nghiệp.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG 
 


 
Nguyễn Côn