Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2014 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 do thành phố Hải Phòng ban hành
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 26/08/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hải Phòng |
Người ký | Dương Anh Điền |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Hải Phòng, ngày 26 tháng 08 năm 2014 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2011 - 2015 trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có những khó khăn, thách thức gay gắt vượt xa so với dự báo. Các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, quân và dân thành phố đã tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động sáng tạo, khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
I. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và dự báo tình hình thế giới, trong nước, thành phố giai đoạn 2016 - 2020; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 gồm:
1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015
a) Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2011 - 2015, trong đó làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng phát triển đề ra.
b) Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế: Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020; Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tập trung đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó chú ý đánh giá tái cơ cấu trong nội bộ ngành, lĩnh vực, nhất là trong công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp, trong thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong đầu tư công... Trong mỗi lĩnh vực nói trên, phải nêu bật được các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ tái cơ cấu, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
c) Tình hình và kết quả thực hiện các khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương. Trong đó phải làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra, những hạn chế, yếu kém, phân tích sâu các nguyên nhân khách quan và chủ quan của hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện các khâu đột phá.
d) Tình hình và kết quả thực hiện cân đối thu chi ngân sách nhà nước; xuất nhập khẩu; quản lý nợ công, nợ chính quyền địa phương. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư.
đ) Kết quả thực hiện về phát triển và quản lý đô thị loại I - đô thị trung tâm cấp quốc gia theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
e) Những kết quả phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội: phát triển văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; đổi mới giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; công tác y tế, bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số, gia đình và trẻ em; lao động, giải quyết việc làm; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công và bình đẳng giới, phát triển thanh niên; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng...
g) Đánh giá thực hiện các nhiệm vụ về củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; các kết quả về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, mở rộng không gian kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
h) Đánh giá về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
i) Đánh giá những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, nguyên nhân khách quan và chủ quan của kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đã dần thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bước đầu phục hồi đà tăng trưởng và nhiều khả năng sẽ trở lại đà tăng ổn định trong thời gian tới. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực và tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước và cho Hải Phòng. Quy mô và tiềm lực kinh tế được nâng cao, sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước là nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và khu vực còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp, khó lường trên biển Đông sẽ trực tiếp ảnh hưởng và tiềm ẩn thách thức nhất định tới phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và thành phố trong giai đoạn này.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, thành phố đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi lớn, rất cơ bản. Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chỉ ra định hướng phát triển chiến lược cho thành phố đến năm 2020. Nhiều đề án phát triển ngành, lĩnh vực được thông qua, những kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, nhất là sự phục hồi tăng trưởng trong hai năm 2014 - 2015, hàng loạt dự án, công trình lớn được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động là những điều kiện và cơ hội mới để thành phố có sự phát triển bứt phá và bền vững trong những năm tiếp theo.
a) Mục tiêu tổng quát
Phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, phấn đấu hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020; là trọng điểm phát triển kinh tế biến của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; đô thị phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm cấp quốc gia, là thành phố sinh thái - thành phố kinh tế; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố theo hướng đồng bộ, cân đối và hiện đại hóa. Cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, từng bước nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống của nhân dân; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sổng, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; là một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh. Tăng cường hợp tác vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
b) Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020, tăng 13,5 - 14,0%/năm. Cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn hiện hành vào năm 2020.
- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp, kinh tế biển, kinh tế đô thị hiện đại, hiệu quả, tăng trưởng nhanh, bền vững. Chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, tạo bước chuyển cơ bản về đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế.
- Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 của cả nước: (i) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (iii) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu đến năm 2020 được nằm trong danh sách các thành phố có sức cạnh tranh của khu vực. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Tăng cường huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách nhà nước; quản lý thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch, chống thất thu; khai thác tốt các nguồn vốn từ đất đai, khoáng sản, tài sản nhà nước.
- Nâng cao thu nhập bình quân đầu người, cải thiện chỉ số phát triển con người (HDl) và đời sống vật chất, tinh thần của người dân thành phố. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển mạnh khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tinh thần phục vụ trong khám, chữa bệnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện, chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thông tin truyền thông, thể dục thể thao. Tập trung giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển thị trường lao động, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình lao động, việc làm, dạy nghề. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, bình đẳng giới và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chú trọng bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em; phát triển thanh niên. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc.