Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

Số hiệu 21/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2013
Ngày có hiệu lực 16/12/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Thành
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2013/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 12 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU KINH TẾ, ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH NỀN KINH TẾ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG, ĐẢM BẢO YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 7

(Từ ngày 03 đến ngày 06 tháng 12 năm 2013)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND;

Thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05-8-2003 của Bộ Chính trị khóa IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước";

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 23/11/2013 và Đề án “Điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” của UBND thành phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với một số nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

a) Mục tiêu tổng quát

Phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tỷ trọng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Hải Phòng trong GDP cả nước đạt khoảng 7,3% vào năm 2020 và khoảng 9% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đến năm 2020 từ 13,5 - 14%/năm; GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 4.900 - 5.000 USD/người vào năm 2020.

- Cơ cấu kinh tế (dịch vụ - công nghiệp, xây dựng – nông, lâm, thủy sản) năm 2020 là 63% - 33,5% - 3,5% và năm 2025 là 65% - 33% - 2%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2015 và 40% vào năm 2020; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35% vào năm 2015 và đạt 45% vào năm 2020.

- Nâng dần tỷ trọng đóng góp của yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng GDP lên khoảng 40% vào năm 2020 và 45% vào năm 2025.

- Phấn đấu đến năm 2020 được nằm trong danh sách các thành phố có sức cạnh tranh của khu vực. Nâng dần số lượng các doanh nghiệp có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

- Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố theo hướng đồng bộ, cân đối và hiện đại hóa.

2. Định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

a) Định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đến năm 2020

- Điều chỉnh cơ cấu ngành sản phẩm kinh tế thành phố theo hướng phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội nhất là cảng cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp kinh tế biển, kinh tế đô thị hiện đại, hiệu quả, tăng trưởng nhanh, bền vững. Nâng tỷ trọng ngành sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo; tỷ trọng nội địa hóa; nâng thị phần sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp trong nước; đưa dịch vụ vươn ra kết nối trực tiếp với các cảng lớn các châu lục, Tây Nam Trung Quốc; nâng tỷ trọng ngành sản phẩm xanh; tỷ trọng sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung vào các ngành dịch vụ: Logistics, dịch vụ hàng hải, hàng không, nghiên cứu thiết kế, phát minh - sáng chế, tài chính - ngân hàng, thương mại, giáo dục đào tạo, chữa bệnh chất lượng cao, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hội chợ triển lãm...

Ưu tiên những ngành công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, công nghệ cao thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa; công nghệ nano và ngành công nghiệp kỹ thuật cao trong lĩnh vực điện tử, điện gia dụng, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường; có đóng góp lớn cho ngân sách thành phố, khai thác lợi thế về kinh tế biển.

Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất cao và giá trị lớn.

- Phối hợp thực hiện tốt chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu ngân hàng trên địa bàn theo hướng chỉ đạo của Chính phủ. Trước hết là tái cơ cấu các đơn vị của Tổng Công ty tàu thủy, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trên địa bàn thành phố.

- Chuyển từ tăng trưởng chiều rộng hiện nay sang tăng trưởng hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trong giai đoạn đến năm 2015 và theo chiều sâu trong giai đoạn 2016 - 2020; tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, chế biến sâu; đặc biệt chú trọng tăng trưởng xanh, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao; thân thiện với môi trường, phát triển sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới có tiềm lực về vốn, thị trường và công nghệ, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường. Nâng cao đóng góp của năng suất lao động xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ trong năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) đạt khoảng 4 ÷ 4,5 vào năm 2020, khoảng 3,5 ÷ 4 vào năm 2025.

[...]