Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2017 về quản lý bảo đảm an toàn, an ninh hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Số hiệu | 10/CT-UBND |
Ngày ban hành | 14/04/2017 |
Ngày có hiệu lực | 14/04/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Người ký | Trần Hữu Thế |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Phú Yên, ngày 14 tháng 4 năm 2017 |
VỀ VIỆC QUẢN LÝ BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH HỒ CHỨA THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Vừa qua trên địa bàn tỉnh, đã xảy ra sự cố người dân tự vận hành hệ thống điện kéo cửa tràn làm hư hỏng thiết bị, gây thất thoát nước và làm thiệt hại tài sản, hoa màu của nhân dân ở vùng hạ lưu hồ chứa nước Suối Vực. Để công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua, UBND tỉnh yêu cầu:
- Tăng cường công tác bảo vệ, an ninh công trình; củng cố lực lượng quản lý hồ chứa có đủ năng lực chuyên môn theo quy định tại Thông tư số 40/2011/TT-BNNPTNT ngày 27/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa. Đối với các hồ chứa do địa phương quản lý phải xây dựng đơn vị quản lý hồ đủ năng lực để tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra an toàn, an ninh công trình trong quá trình vận hành, nhất là trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn, an ninh công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
- Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ có cửa van điều tiết, chủ đập phải lập quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu các hồ chứa đã có quy trình vận hành thì xem xét lại nếu không còn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và tình hình thực tế thì phải lập, trình phê duyệt lại quy trình theo đúng quy định hiện hành (quy định tại Chương III của Nghị định 72/2007/ND-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ).
- Tiến hành cắm mốc chỉ giới phạm vi và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh đập và phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập theo quy định tại điều 25, 26 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và căn cứ vào quy mô đập, vị trí địa lý của đập, tầm quan trọng của đập về mặt kinh tế và tình hình trật tự an ninh tại địa phương, chủ đập xây dựng phương án bảo vệ đập theo quy định tại Điều 18, 19, 20, 21, 22 Nghị định 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
- Thực hiện việc đăng ký an toàn đập tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo hướng dẫn tại mục 1, Thông tư 33/2008/TT-BNN ngày 04/02/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT). Hàng năm, chủ đập phải lập và gửi báo cáo hiện trạng an toàn đập cho Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan theo quy định (tại Điều 16 của Nghị định 72/2007/NĐ-CP).
- Lập Phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập (theo nội dung quy định tại mục IV của Thông tư 33/2008/TT-BNN ngày 04/02/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT), bảo đảm an toàn các hồ chứa trên địa bàn quản lý, trình thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành để tổ chức thực hiện; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Xây dựng về tình hình bảo đảm an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn hồ đập; tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng hồ chứa. Chủ động cập nhật, điều chỉnh quy trình vận hành để bảo đảm an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
- Triển khai công tác kiểm tra, kiểm định an toàn đập định kỳ theo quy định, nhất là các hồ chứa có dung tích dưới 03 triệu m3.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của các phòng ban chức năng và chính quyền xã trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn, an ninh công trình thủy lợi. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức quản lý hồ đập, tổ chức dùng nước trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về quản lý an toàn hồ đập. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, Trung ương quản lý đảm bảo an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các chủ hồ, đập không thực hiện đầy đủ quy định về an toàn hồ đập. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết và thực hiện các quy định về bảo vệ các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện; phối hợp với các chủ đập xử lý dứt điểm các hành vi xâm phạm, lấn chiếm, khai thác trái phép khu vực đập và vùng phụ cận bảo vệ đập, cũng như khu vực lòng hồ và rừng phòng hộ đầu nguồn.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn, an ninh công trình và dân cư vùng hạ du. Các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn phải xây dựng phương án tích nước hợp lý. Tuyệt đối không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn.
- Đối với khu vực lòng hồ, các chủ đập, căn cứ đặc điểm tình hình của khu vực vùng lòng hồ đề xuất các quy định cụ thể và tổ chức thực hiện việc cắm mốc chỉ giới; chịu trách nhiệm quản lý phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình theo quy định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa nước thủy điện.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
- Tăng cường công tác bảo vệ, an ninh công trình; củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn, an ninh hồ đập; quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.
- Cập nhập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước; quyết định việc tích nước và bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa do đơn vị quản lý.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức trực ban nhằm phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; chủ động trang bị các loại thiết bị, vật tư, nhân lực dự phòng nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
- Tổ chức lập phương án phòng lũ lụt, đảm bảo an toàn dân cư vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo quy định, đặc biệt là đối với các hồ có dung tích lớn, tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, an ninh của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp báo cáo UBND tỉnh; phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xin hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và cân đối ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi.
- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa lập phương án bảo vệ công trình; phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập theo quy định, đặc biệt là đối với các hồ chứa có dung tích lớn; cập nhật, điều chỉnh quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức trực ban thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cử cán bộ chuyên môn thường trực tại công trình nhằm phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố. Kiểm tra, rà soát lại các loại vật tư, nhân lực dự phòng nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
- Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, quyết định việc tích nước đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa do Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam và địa phương quản lý.
- Phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương và các chủ hồ chứa vận hành điều tiết, xả nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và giảm, cắt lũ cho vùng hạ du.