Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 - 2014 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 29/08/2013
Ngày có hiệu lực 29/08/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 29 tháng 08 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP NĂM HỌC 2013 - 2014

Thực hiện Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT, ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014; trên cơ sở tình hình thực tiễn của tỉnh Phú Thọ; Để cùng với Giáo dục và Đào tạo cả nước thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2013-2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt đầy đủ và sâu sắc văn kiện Đại hội Đảng các cấp; xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo; chủ động phát huy sự cộng tác, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục của tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

2.1. Về công tác quản lý giáo dục:

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở các địa phương; tập trung thực hiện Chương trình hành động của Ngành Giáo dục triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động số 884/CTr-UBND ngày 21/3/2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 25/01/2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về giáo dục và đào tạo.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh theo đúng Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó tập trung quản lý khắc phục triệt để các sai phạm trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Đặc biệt, tập trung giải quyết những vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: Dạy thêm, học thêm; thu chi các loại quỹ trong trường học; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông báo công khai trước công luận. Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục.

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông trong thi đua khen thưởng, phát hiện các nhân tố mới, nhân tố điển hình để khen thưởng kịp thời.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng đồng thời với đảm bảo chất lượng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức hội nghị, hội thảo của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường.

2.2. Về tổ chức hoạt động giáo dục

2.2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho Ngành Giáo dục (15/10/1968-15/10/2013) và đưa nội dung các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thành hoạt động thường xuyên của ngành.

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và tiếp tục quan tâm giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi, nâng cao chất lương giáo dục củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nhân lực, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường vùng miền núi, vùng khó khăn. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên. Đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh dân tộc rất ít người và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ của học sinh, sinh viên; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giáo dục về chủ quyền biển, đảo, tiết kiệm năng lượng; công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội và công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.

Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xây dựng các chương trình dạy học dựa theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

Tiếp tục triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

2.2.2. Giáo dục mầm non

Củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tỷ lệ bán trú, học 2 buổi/ngày. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ và mẫu giáo, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn.

Tiếp tục chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo củng cố, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và quan tâm các độ tuổi dưới 5 tuổi; chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đối với các xã chưa đạt chuẩn.

2.2.3. Giáo dục phổ thông

Tiếp tục chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông.

Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), nhân rộng mô hình này cùng với việc áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của tỉnh. Thực hiện Đề án "Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015". Mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chú trọng ở cấp tiểu học. Thực hiện có kết quả Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".

[...]