Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2020 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 07/08/2020
Ngày có hiệu lực 07/08/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Lý Thái Hải
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh trên thế giới, đây là dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng toàn cầu, mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục kéo dài trên thế giới và vẫn ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Vì vậy để phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, tạo tiền để thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, yêu cầu đặt ra đối với Sở, Ban, Ngành và các địa phương là cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế xã hội thế giới, trong nước và của tỉnh, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 05 năm 2021 - 2025 để xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các cấp, các ngành tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT- TTg ngày 29/7/2020 với những yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:

A. YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự báo tình hình trong nước, trên thế giới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2021 phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Những nội dung chủ yếu của báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 gồm:

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm, các Sở, Ban, Ngành và địa phương tổ chức đánh giá và dự ước kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực được phân công, phụ trách, quản lý, trong đó đánh giá đầy đủ, chính xác các kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó yêu cầu đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đến ngành, lĩnh vực, địa phương, cụ thể:

- Các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại: Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 03/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ Mười tám (khóa XI) về nhiệm vụ năm 2020; Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2020; Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Quyết định số 33/QĐ- UBND ngày 09/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020.

Yêu cầu các Sở, Ngành đánh giá, phân tích các kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân và dự ước đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (từ Biểu 01 đến Biểu 13 kèm theo) và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân và Quyết định giao kế hoạch của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh thương mại giữa các nước, tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên; tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2025 nền kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại chưa và chậm được khắc phục cũng như các vấn đề xã hội - môi trường gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tỉnh, kinh tế - xã hội nhìn chung ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, nhưng cùng với đó là những khó khăn, thách thức lớn trong cạnh tranh khi năng lực của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn yếu, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Do đó, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, các Sở, Ngành, địa phương bám sát vào dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025 của tỉnh, của ngành, lĩnh vực, địa phương, trong đó tập trung các nội dung chủ yếu sau:

2.1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sau thu hoạch. Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và dịch vụ. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

b) Mục tiêu chủ yếu

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 5,8 - 6,0%; các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển cụ thể yêu cầu các Sở, Ngành, địa phương bám sát các mục tiêu chủ yếu dự kiến của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các mục tiêu theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại 02 biểu mẫu 01, 02 kèm theo).

Đồng thời, các Sở, Ngành đề xuất mục tiêu cụ thể năm 2021 của ngành, lĩnh vực quản lý (ngoài các mục tiêu chủ yếu của tỉnh) vào biểu chi tiết (gắn với biểu dự ước thực hiện năm 2021).

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xây dựng mục tiêu chủ yếu theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3207/UBND-TH ngày 08/06/2020 về việc thống nhất hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cấp huyện (tại biểu mẫu 03 kèm theo) và đề xuất chỉ tiêu phù hợp với điều kiện của địa phương.

2.2. Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu

a) Thực hiện 04 chương trình trọng tâm dự kiến của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII

- Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ theo phương châm tận tâm với công việc, tâm huyết với quê hương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX). Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp và du lịch.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

[...]