Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2020 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 22/05/2020
Ngày có hiệu lực 22/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Trần Tiến Hưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025

Ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; theo đó, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời tiến hành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 để phê duyệt, triển khai thực hiện ngay khi kế hoạch 5 năm được cấp có thẩm quyền thông qua.

Xuất phát từ yêu cầu trên, để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chương trình hành động thực hiện kế hoạch thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách, quản lý với những nội dung chủ yếu sau:

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020

Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2016 - 2019 và dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020, các đơn vị, địa phương đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trên tất cả các ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách, quản lý và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách lớn trong phát triển ngành, lĩnh vực; trong đó, cần đánh giá đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được so với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục cho giai đoạn tới, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

1. Kết quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

2. Các sở, ngành, địa phương chủ động và phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chuyên ngành thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, rà soát hệ thống số liệu, dữ liệu về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương. Kết quả thực hiện so với các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng bộ và HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, các Chỉ thị, Quyết định của UBND tỉnh về kế hoạch hàng năm.

Căn cứ đặc điểm, tình hình và lĩnh vực, địa bàn quản lý, các sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương tiến hành đánh giá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu đầy đủ, phù hợp với tình hình của đơn vị và địa phương.

Việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, sát đúng thực tiễn và kịp tiến độ quy định. Việc tổ chức đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội và cộng đồng dân cư để đảm bảo nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết.

3. Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế:

- Thực hiện tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu, dịch vụ... Trong mỗi lĩnh vực trên, cần nêu cụ thể các chủ trương, định hướng, chương trình kế hoạch tái cơ cấu, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới. Đánh giá khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chủ yếu, chủ lực; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước ...

- Thực hiện cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm, gồm: Đầu tư công; các tổ chức tín dụng; doanh nghiệp Nhà nước; ngân sách Nhà nước; khu vực công; đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; môi trường kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ số; năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020. Tình hình phát triển các loại hình doanh nghiệp, chất lượng tăng trưởng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Tình hình thực hiện các đột phá lớn về cải cách hành chính; huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng; phát triển các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới giáo dục đào tạo gắn với phát triển, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, cần làm rõ kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt cần phân tích sâu các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện các đột phá trong các ngành, các cấp.

5. Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện thu chi ngân sách Nhà nước; xuất nhập khẩu; nợ chính quyền địa phương; tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư, bao gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư, nguồn vốn dân cư, vốn ODA, FDI, vốn doanh nghiệp và nguồn vốn huy động khác. Rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai và khả năng cân đối nguồn lực.

6. Tình hình thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, như: Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; chăm sóc người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tình trạng già hóa dân số; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thông tin, văn hóa, thể dục thể thao; thực hiện các quyền của trẻ em, phát triển thanh niên, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; phòng, chống tệ nạn xã hội, nạn tin giả; phòng, chống cháy nổ; công tác huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ nhà ở, thu nhập cho hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội, người có công là thành viên hộ nghèo.

7. Tình hình thực hiện công tác quy hoạch và phát triển vùng, liên kết vùng; kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh trật tự, an toàn xã hội; phát triển đô thị; thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

8. Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tình hình khai thác cát sỏi trái phép, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tình hình hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và ngập úng ở các đô thị lớn, cạnh tranh về nguồn nước,...

9. Tình hình thực hiện nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, an toàn không gian mạng quốc gia và trật tự an toàn xã hội; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh trật tự trên các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.

10. Tình hình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách và tổ chức thi hành; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp và tinh gọn bộ máy; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;...

II. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

1. Yêu cầu:

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 phải được xây dựng trên cơ sở bám sát, đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, dự thảo Báo cáo Chính trị của cấp ủy các cấp; các Chỉ thị, Quyết định của UBND tỉnh; dự báo tình hình trong nước, thế giới, khu vực, trong tỉnh và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; phù hợp với định hướng trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước và dự thảo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương, đảm bảo tính kết nối vùng, miền và các địa phương.

Các mục tiêu, định hướng, giải pháp, chính sách phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; cần phân tích, đánh giá, lựa chọn và sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương. Các mục tiêu, chỉ tiêu được tính toán, dự báo dựa trên số liệu giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá lại, điều chỉnh quy mô kinh tế.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hiệp hội, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các chuyên gia... nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng kế hoạch.

2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã hội tiến bộ và công bằng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người thuộc các tỉnh dẫn đầu Bắc Trung Bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

[...]