ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Cà Mau, ngày 27
tháng 5 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KHUYẾN KHÍCH VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY
KHÔNG NUNG TRONG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Trong những năm qua, để thực hiện
Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất
sét nung; Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng và Công văn số
2458/BXD-VLXD ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc gia hạn lộ
trình sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 27/11/2013 về khuyến
khích, tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung trong các công
trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Công văn số 4731/UBND-XD ngày
09/9/2014 về lộ trình sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Việc khuyến khích, tăng cường sử
dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Cà
Mau thời gian qua đã có kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải
khắc phục như: Công tác quản lý, hướng dẫn, sản xuất, sử dụng VLXKN thay thế gạch
đất sét nung; công tác tuyên truyền, phổ biến sử dụng VLXKN; chính sách ưu đãi…
Để từng bước sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà
Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành cấp tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau tập trung thực hiện một số nhiệm
vụ sau:
1. Về lộ
trình sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng
a) Đối với các công trình được
đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành, bắt buộc phải sử dụng
VLXKN theo đúng lộ trình quy định tại Công văn số 2458/BXD-VLXD ngày 20/11/2013
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc gia hạn lộ trình sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh
Cà Mau, cụ thể:
- Tại thành phố Cà Mau: Phải sử
dụng tối thiểu 50% VLXKN từ quý II/2015, sau năm 2015 sử dụng 100%.
- Tại các khu vực còn lại: Phải
sử dụng tối thiểu 50% VLXKN từ quý II/2015 đến hết năm 2016, sau năm 2016 sử dụng
100%.
b) Các công trình xây dựng từ
09 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ quý II/2015 phải sử dụng tối thiểu
30% VLXKN và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN trong tổng số vật liệu
xây (tính theo thể tích khối xây).
c) Trường hợp tại thời điểm thiết
kế, thi công xây dựng công trình, nguồn cung cấp VLXKN trên địa bàn tỉnh Cà Mau
không đủ hoặc chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo theo yêu cầu thiết kế, chủ đầu
tư báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Xây dựng kiểm tra, tổng hợp và báo cáo đề xuất
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng.
d) Khuyến khích sử dụng VLXKN
trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực
đô thị, không phân biệt số tầng.
đ) Các công trình đã được cấp
Giấy phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày Chỉ
thị này có hiệu lực thi hành, thực hiện theo Giấy phép được cấp hoặc dự án được
phê duyệt; khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng VLXKN.
2. Về sản
xuất VLXKN
a) Thu hút, tạo điều kiện thuận
lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm
bảo tiêu chuẩn về môi trường để sản xuất các loại VLXKN như: Gạch bê tông khí
chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông bọt, tấm xây dựng 3D, tấm
tường thạch cao..., nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cho từng loại
công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
b) Định hướng các doanh nghiệp
sản xuất VLXKN:
- Ưu tiên đầu tư các thiết bị,
dây chuyền công nghệ sản xuất VLXKN trong nước sản xuất, nhưng phải hiện đại và
phù hợp với các quy định về môi trường, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng.
- Đầu tư chiều sâu, đổi mới
công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu,
hạ giá thành và phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.
- Thực hiện công bố tiêu chuẩn
áp dụng theo quy định tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi
đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường; có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm
định kỳ theo quy định. Sản phẩm phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố.
Khuyến khích các nhà sản xuất có hệ thống quản lý chất lượng.
3. Về kinh
doanh VLXKN
a) Tạo điều kiện thuận lợi để
các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, mở rộng mạng lưới phân phối các loại
VLXKN.
b) Hướng dẫn các quy định về quản
lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định về thương mại, đảm bảo kinh
doanh các loại VLXKN của các nhà sản xuất, nhập khẩu đã công bố tiêu chuẩn áp dụng,
công bố hợp quy theo quy định; có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về
nhãn hàng hóa; có xuất xứ hàng hóa rõ ràng.
4. Sở, ban,
ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau
4.1. Sở Xây dựng
- Chủ trì, tổ chức triển khai
thực hiện Chỉ thị này; kịp thời hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng VLXKN trong
các công trình xây dựng phù hợp theo quy định.
- Tổ chức thực hiện quy hoạch
phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân
đầu tư vào lĩnh vực sản xuất VLXKN theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Xây dựng và công bố đơn giá
xây dựng công trình sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính
công bố giá VLXKN hàng tháng để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết tham khảo,
áp dụng.
- Kiểm tra việc sử dụng VLXKN
theo lộ trình, tỷ lệ đối với từng công trình, dự án đầu tư trong quá trình thẩm
tra thiết kế - dự toán.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra,
giám sát việc tuân thủ quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng
trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
cho phép không sử dụng VLXKN trong các công trình có yêu cầu đặc thù thuộc thẩm
quyền xem xét chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điểm d, Khoản
7, Điều 4 Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau nghiên cứu, đề xuất
các giải pháp nhằm khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN.
- Hướng dẫn các chủ đầu tư là
người quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước
và công trình nhà cao tầng (từ 09 tầng trở lên) không phân biệt nguồn vốn phải
sử dụng VLXKN theo quy định tại Chỉ thị này.
- Nghiên cứu tham mưu, đề xuất
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định trong Giấy phép xây dựng đối với các
công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên được đầu tư bằng các nguồn vốn khác
ngoài vốn Nhà nước.
- Định kỳ hàng năm rà soát,
đánh giá tình hình đầu tư, sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, VLXKN của các
tổ chức, cá nhân để báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
4.2. Sở Khoa học và Công nghệ
- Hướng dẫn việc áp dụng và
công bố sản phẩm, hàng hóa VLXKN phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Phối hợp với các sở, ngành có
liên quan thẩm định, đánh giá thiết bị công nghệ dự án đầu tư sản xuất VLXKN
trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp kiểm tra, thanh tra
chất lượng các sản phẩm, hàng hóa VLXKN được sản xuất, lưu thông trên địa bàn tỉnh.
4.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Xây dựng cùng
các đơn vị có liên quan tổ chức quản lý và thực hiện phát triển VLXD tỉnh Cà Mau
đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là VLXKN.
- Phối hợp với Sở Xây dựng cung
cấp thông tin về tình hình hoạt động trong lĩnh vực VLXKN của các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây
dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra hoạt động kinh doanh VLXKN
của doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng
nhận đầu tư.
4.4. Sở Tài chính
- Phối hợp các sở, ngành có
liên quan hướng dẫn các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp để đổi mới
công nghệ hiện đại, ưu tiên trong lĩnh vực phát triển VLXKN; xây dựng các chính
sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho
các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN, các dự án sản xuất VLXKN.
- Phối hợp với Sở Xây dựng và
các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc công bố và niêm yết giá bán
VLXKN của các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng VLXKN trên địa bàn.
4.5. Sở Tài nguyên và Môi
trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây
dựng, các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau hướng
dẫn các hoạt động quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực VLXKN.
- Thẩm định Báo cáo đánh giá
tác động môi trường đối với dự án đầu tư liên quan đến hoạt động sản xuất VLXKN
theo đúng quy định của pháp luật.
- Tổ chức quản lý, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với các chủ dự
án sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh.
4.6. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tổ chức thực hiện chương trình, đề án, cơ chế chính sách, kế hoạch
hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến VLXKN: xúc tiến thương mại, triển lãm
hàng hóa và hội chợ về VLXKN, nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ
sản phẩm, tạo dựng môi trường cho doanh nghiệp phát triển.
- Tham gia quản lý, kiểm tra điều
kiện hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực VLXKN về nhãn
mác, xuất xứ của VLXKN lưu thông trên thị trường.
- Tham gia kiểm tra việc thực
hiện chính sách, pháp luật đối với tổ chức, cá nhân hoạt động về VLXKN theo quy
định của pháp luật. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc kê khai,
niêm yết giá bán các mặt hàng VLXKN sản xuất, lưu thông trên địa bàn tỉnh.
4.7. Ban Quản lý Khu kinh tế
- Phối hợp với Sở Xây dựng, các
cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật,
quy định về an toàn và vệ sinh lao động trong sản xuất VLXKN, quy định pháp luật
về kinh doanh VLXKN cho các nhà đầu tư hoạt động VLXKN trong phạm vi các khu
công nghiệp; kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXKN được sản xuất đối với
các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực VLXKN trong phạm vi các khu công nghiệp
trên địa bàn tỉnh (nếu có).
- Hướng dẫn và tạo điều kiện
thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất VLXKN được hoạt động trong khu công nghiệp
(thủ tục hành chính, địa điểm, diện tích sản xuất…).
4.8. Cục Thuế
- Hướng dẫn và tạo điều kiện
thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư sản xuất VLXKN, chế tạo thiết bị sản xuất
VLXKN về chính sách ưu đãi thuế (nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp...) và ưu đãi
theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với ưu đãi về thuế cho
nhà đầu tư sản xuất VLXKN được hưởng ưu đãi theo Luật định; ưu đãi cho Doanh
nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư và ưu đãi theo địa bàn đầu tư.
4.9. Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố Cà Mau
- Phối hợp với các sở, ban,
ngành có liên quan triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đến năm
2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh tại địa phương một cách hiệu quả.
- Khuyến khích, tạo điều kiện
thuận lợi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu tư các dự án sản xuất
VLXKN trên địa bàn.
- Tổ chức quản lý, kiểm tra,
giám sát việc tuân thủ tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng sử dụng
vốn nhà nước và các công trình nhà cao tầng trên địa bàn theo quy định tại Chỉ
thị này.
Ngoài ra, Thủ trưởng sở, ban,
ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau căn cứ chức năng, nhiệm
vụ của từng cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày
27/11/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về khuyến khích, tăng cường
sử dụng VLXKN và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung trong các công trình xây dựng
trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Công văn số 4731/UBND-XD ngày 09/9/2014 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh về lộ trình sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Chỉ thị
này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về
Sở Xây dựng để được hướng dẫn; trường hợp vượt thẩm quyền tổng hợp, báo cáo đề
xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện Chỉ thị
này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Tiến Dũng
|