UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5822/KH-UBND
|
Bến Tre, ngày
11 tháng 12 năm 2012
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KHÔNG NUNG VÀ LỘ TRÌNH
XOÁ BỎ CÁC LÒ GẠCH THỦ CÔNG, THỦ CÔNG CẢI TIẾN VÀ LÒ ĐỨNG LIÊN TỤC, LÒ VÒNG SỬ
DỤNG NHIÊN LIỆU HOÁ THẠCH GIAI ĐOẠN 2012-2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29
tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển
vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng
4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật
liệu xây không nung đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không
nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Công văn số 896/BXD-VLXD
ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28
tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung
trong các công trình xây dựng,
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển
khai sử dụng vật liệu xây dựng không nung và lộ trình xoá bỏ các lò gạch thủ
công, thủ công cải tiến và lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch
giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo tinh thần Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ với những nội dung cụ
thể như sau:
I. HIỆN TRẠNG VÀ DỰ BÁO TÌNH
HÌNH SẢN XUẤT, SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY
1. Hiện trạng:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 80 cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung với tổng sản lượng năm 2011 khoảng 46,12 triệu viên, bao
gồm:
- 79 cơ sở sản xuất bằng lò thủ công với tổng sản
lượng khoảng 39,22 triệu viên.
- 01 cơ sở sản xuất bằng lò vòng cải tiến (lò
hoffman) với sản lượng khoảng 6,9 triệu viên.
Sản lượng vật liệu xây đáp ứng phần lớn nhu cầu
trong tỉnh.
Tình hình sản xuất gạch không nung trên địa bàn
tỉnh chưa phát triển.
Hiện nay hầu hết các công trình trên địa bàn tỉnh
thuộc tất cả các lĩnh vực, nguồn vốn đều sử dụng gạch đất sét nung làm vật liệu
xây bao che do tính phổ cập, tiện dụng và giá thành hợp lý.
2. Dự báo:
Tổng nhu cầu gạch vùng đồng bằng sông Cửu Long
năm 2010 khoảng 300 triệu viên, đến năm 2015 khoảng 1,3 tỷ viên (theo số liệu của
Bộ Xây dựng). Dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây trên địa bàn tỉnh năm 2015
khoảng 110-120 triệu viên. Trong thời gian sắp tới cần tiến hành lập quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng tỉnh để làm cơ sở triển khai các chương trình, dự
án về vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây
không nung (VLXKN) để thay thế gạch đất sét nung nhằm tận dụng tiềm năng và
phát huy lợi thế của địa phương, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu
phát thải khí nhà kín và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí
xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho
toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Tập trung phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN
để thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ sử dụng khoảng 50-70% vào năm 2015.
- Xoá bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất vật liệu
xây dựng sử dụng đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh vào năm 2015.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN
XUẤT VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2015
1. Về chủng loại sản phẩm, công nghệ và quy
mô công suất:
Sẽ được phát triển bằng chương trình cụ thể trên
cơ sở Quyết định số 567/QĐ- TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 và theo Quy hoạch
phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bến Tre đến năm 2020 khi được Uỷ ban nhân dân
tỉnh phê duyệt.
2. Quy định sử dụng vật liệu xây không nung:
a) Người quyết định đầu tư, chủ
đầu tư, các nhà thầu, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định dự
án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải
sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình như sau:
- Tại các đô thị loại III trở lên phải sử dụng
100% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2012.
- Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu
50% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2012 đến hết năm 2015,
sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
b) Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên
không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và
sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong
tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
c) Khuyến khích sử dụng VLXKN trong các công
trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không
phân biệt số tầng.
IV. LỘ TRÌNH CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG
SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT SÉT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG, THỦ CÔNG CẢI TIẾN, LÒ ĐỨNG LIÊN TỤC
VÀ LÒ VÒNG SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HOÁ THẠCH
- Rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch
đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh hiện nay để chuyển sang công
nghệ lò tuynel hoặc các công nghệ tiên tiến khác.
- Không cấp phép đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục,
lò vòng, lò vòng cải tiến.
- Đối với các dự án xây dựng mới các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục,
lò vòng, lò vòng cải tiến đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển
khai đầu tư thì không được tiếp tục đầu tư hoặc chuyển sang đầu tư bằng công
nghệ lò tuynel hoặc các công nghệ tiên tiến khác.
- Tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất vật
liệu xây dựng sử dụng đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh vào năm
2015.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định
nghiêm cấm khai thác, sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng từ
đất sét nung từ năm 2015 và tăng thuế tài nguyên đất sét làm vật liệu xây dựng
từ năm 2013.
- Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, các
chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế và các hỗ trợ khác theo quy định nhằm
tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất VLXKN trên địa
bàn tỉnh.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây
dựng phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây với quy mô công suất hợp lý,
công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa về sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng,
phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bắt
buộc sử dụng VLXKN theo quy định tại phần III.2.
- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để
cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể hoạt động xây dựng và mọi người
dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời
thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất gạch đất sét nung để tập
trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển
ngành công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại, bền vững.
- Tăng cường công tác kiểm tra xử lý các cơ sở
không thực hiện đúng nội dung của Kế hoạch.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ
chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây
dựng đến năm 2020 phù hợp với Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm
2020, trong đó chú trọng việc phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất sét
nung (trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện năm 2013).
- Tổ chức xây dựng Chương trình phát triển VLXKN
trên địa bàn tỉnh Bến Tre sau khi Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến
năm 2020 được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức kiểm tra, định kỳ hằng
năm hoặc đột xuất báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng.
- Phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách, nội
dung phát triển VLXKN, các định mức, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy phạm
thiết kế. Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng VLXKN trong xây dựng các công trình
ngay từ khâu lập dự án đầu tư và thiết kế. Đôn đốc, nhắc nhở, giám sát việc thực
hiện, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị
định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm
hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất,
kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát
triển nhà và công sở.
- Kiểm tra việc tuân thủ sử dụng VLXKN trong các
công trình xây dựng.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền
để tăng cường công tác thông tin các tính năng ưu việt, hiệu quả kinh tế, bảo vệ
môi trường… khi sử dụng VLXKN, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ.
- Theo dõi, kiểm tra và báo cáo định kỳ hàng năm
và đột xuất về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng tình hình thực hiện xoá bỏ các
cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Công Thương:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
hỗ trợ các địa phương việc chuyển đổi nghề, đào tạo nghề trong quá trình thực
hiện lộ trình xoá bỏ các lò gạch thủ công.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định
không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò đứng
liên tục, lò vòng.
- Bổ sung thiết bị và dự án chế tạo thiết bị sản
xuất VLXKN vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm.
3. Sở Tài chính:
- Nghiên cứu đề xuất nguồn kinh phí thực hiện
chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất gạch thủ công khi di dời, chuyển đổi
công nghệ hoặc chấm dứt hoạt động trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên
quan đưa giá các loại vật liệu xây không nung vào bảng công bố giá vật liệu xây
dựng hàng tháng vào đầu năm 2013 và tổ chức quản lý về giá các loại VLXKN trên
thị trường. Không đưa giá vật liệu xây dựng có nguồn gốc sản xuất từ đất sét
nung vào công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng từ năm 2015.
- Rà soát trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định
nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức
tối đa vào năm 2013.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tạo mọi điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh cho các cơ sở sản xuất có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất gạch đất
sét nung sang sản xuất bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm tài
nguyên, không gây ô nhiễm môi trường.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan
tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói
nung, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định.
- Định kỳ đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường
trên địa bàn tỉnh, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch
ngói đất sét nung.
- Tham gia đề xuất nâng mức phí bảo vệ môi trường
đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung.
6. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Nghiên cứu, giới thiệu các loại lò gạch công
nghệ tiên tiến trong sản xuất gạch (đặc biệt là gạch không nung), đảm bảo các
quy định, quy chuẩn hiện hành để tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng và triển khai
thực hiện trên địa bàn tỉnh.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định
không được sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất
gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò đứng
liên tục, lò vòng.
- Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất nghiên cứu,
đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất VLXKN và sản xuất thiết bị cho sản xuất
VLXKN (thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ).
7. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan
xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư, sản xuất
VLXKN trên địa bàn tỉnh.
- Xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án thuộc
lĩnh vực sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.
8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tăng cường chỉ đạo tổ chức công tác tuyên truyền,
phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân tỉnh việc
thay thế dần gạch đất sét nung bằng VLXKN, xoá dần việc sản xuất gạch đất sét
nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn.
- Xây dựng kế hoạch lộ trình hàng năm việc thực
hiện xoá bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn,
đề xuất phương án xử lý, dừng sản xuất lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường
phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và theo đúng lộ trình thời
gian của Kế hoạch này. Kiên quyết chỉ đạo dừng sản xuất lò gạch thủ công theo
đúng lộ trình đã quy định.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định
không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh
doanh cá thể sản xuất gạch, ngói bằng thủ công trên địa bàn. Trường hợp sau khi
quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng được phê duyệt thì khi cấp giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sản xuất vật liệu
xây dựng phải căn cứ vào quy hoạch và các quy định có liên quan khác.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
nghiêm đối với các vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số
23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất,
kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát
triển nhà và công sở.
- Định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo về Sở Xây
dựng tình hình thực hiện xoá bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ
công trên địa bàn.
9. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến vận động các cơ
sở sản xuất gạch ngói thủ công theo định hướng của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Uỷ
ban nhân dân tỉnh. Hướng dẫn chuyển đổi các hình thức sản xuất phù hợp.
- Nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, rà
soát thực tế và tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố về tình hình
sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công trên địa bàn.
- Phối hợp tổ chức việc thực hiện Quy hoạch phát
triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định
không cho phép ký hợp đồng mới, gia hạn hợp đồng về sản xuất gạch bằng lò thủ
công gây ô nhiễm môi trường tại địa phương, nghiêm cấm khai thác sử dụng đất
nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói theo lộ trình.
10. Các cơ quan thông tin đại chúng:
Tuyên truyền, phổ biến thường xuyên nội dung của
Kế hoạch này, đưa tin kịp thời về các gương điển hình cũng như các trường hợp cố
tình vi phạm trong việc thực hiện Kế hoạch xoá bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất
sét nung bằng lò thủ công nhằm tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch triển khai sử dụng vật liệu
xây dựng không nung và lộ trình xoá bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến
và lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch giai đoạn 2012-2015
trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện
thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai và tổ
chức thực hiện có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, vướng
mắc kịp thời báo cáo về Sở Xây dựng tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem
xét, cho ý kiến giải quyết./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Cao Văn Trọng
|