Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 do tỉnh Phú Thọ ban hành
Số hiệu | 07/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 19/08/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Thọ |
Người ký | Chu Ngọc Anh |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Phú Thọ, ngày 19 tháng 8 năm 2014 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi. Song, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được một số kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, với những nội dung chủ yếu như sau:
A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trong tỉnh, từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 gồm:
I. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015
Trên cơ sở kết quả thực hiện 3 năm 2011 - 2013, ước thực hiện kế hoạch năm 2014, dự kiến kế hoạch năm 2015, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:
1. Tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phân tích làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện kế hoạch.
2. Đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; tình hình thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 08/01/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. Trong mỗi lĩnh vực cần nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
3. Tình hình và kết quả thực hiện 3 khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch. Trong đó cần làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt cần phân tích sâu các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các khâu đột phá trong các ngành, các cấp.
4. Đánh giá về tốc độ, chất lượng tăng trưởng của từng ngành; tình hình và kết quả thu, chi ngân sách nhà nước; xuất khẩu, nhập khẩu; nợ xây dựng cơ bản; tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư.
5. Những kết quả đạt được trong phát triển và đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công, bình đẳng giới; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
6. Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; các kết quả về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
7. Đánh giá về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
II. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 xây dựng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức: Dự báo kinh tế thế giới, khu vực phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến trên Biển Đông có thể tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước. Nội lực kinh tế của tỉnh hạn chế, kết cấu hạ tầng còn khó khăn nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp; quy mô các thành phần kinh tế, tổ chức kinh tế của tỉnh còn nhỏ, năng lực hạn chế; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh chưa thể lường hết.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 có những thuận lợi như: Sự ổn định về chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển; quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng lên; những kết quả bước đầu của tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra những chuyển biến mới cho sự phát triển; hội nhập quốc tế sâu rộng tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được tăng cường, một số công trình lớn đã đưa vào sử dụng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; các cơ chế, chính sách của tỉnh được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống.
1. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020:
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020 là: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động tối đa nội lực gắn với thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài nhất là vốn đầu tư, khoa học công nghệ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững, gắn sản xuất với chế biến. Bảo đảm mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và các di sản văn hóa để phát triển bền vững. Chú trọng phát triển con người, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.
2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:
a) Về phát triển kinh tế:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 và cao hơn bình quân cả nước. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Tập trung chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt bằng các giống chất lượng cao trên nền bò lai Sind; nâng cao năng suất, chất lượng chè gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh và chè đen Phú Thọ; quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả có diện tích lớn sản xuất theo quy trình an toàn phục vụ chế biến tại tỉnh để cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu; đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, quy hoạch diện tích trồng cây gỗ lớn để tăng sản lượng trên chu kỳ khai thác gắn với thu hút đầu tư chế biến sâu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; thu hút đầu tư hạ tầng nuôi thủy sản thâm canh, chú trọng phương pháp nuôi công nghiệp, nuôi cá lồng bè có giá trị kinh tế cao. Tập trung cải tạo, nâng cấp các hồ chứa, xây dựng các trạm bơm tiêu úng nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất bền vững. Chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, chú trọng phát triển sản xuất, dạy nghề cho lao động nông thôn để nâng cao thu nhập; huy động và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường thu hút mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp gắn với lợi thế tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đồng thời đổi mới căn bản công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi để mời gọi có chọn lọc các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, công nghệ và thị trường vào đầu tư sản xuất công nghiệp, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp có tiềm năng, có thị trường, có khả năng cạnh tranh phù hợp lợi thế của tỉnh như: điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến gỗ MDF, hàng may mặc cao cấp,... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
- Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các ngành dịch vụ tiềm năng, có giá trị gia tăng cao: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ thông tin; phát triển và nâng cao chất lượng vận tải, nâng cao năng lực vận tải đường thủy, đường sắt đảm bảo lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thể mạnh của tỉnh như: chè, giấy, vật liệu xây dựng, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ,.... Tăng cường thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch; xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đất Tổ gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại "Hát Xoan Phú Thọ" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ"; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và liên kết các loại hình dịch vụ du lịch để tăng lượng khách lưu trú; từng bước nâng cao doanh thu, hiệu quả của ngành du lịch.
- Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, của các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài và của toàn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm để tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thực hiện tốt Luật Đầu tư công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để huy động, bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính, tín dụng; từng bước nâng tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GRDP; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thu thuế và lĩnh vực hải quan. Tiếp tục phát triển hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, trọng tâm là các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh.