BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
06/2006/CT-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2006
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG,
PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ, AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Trong Quý I năm nay tình hình
trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phức tạp, mặc dù số người chết vì tai nạn
giao thông tháng sau giảm hơn tháng trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Nhằm tăng cường
hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động
trong ngành Giao thông vận tải trong năm 2006 là năm diễn ra Đại hội Đảng X và
Hội nghị APEC, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:
1. Cục trưởng
các Cục quản lý chuyên ngành: Đường bộ, Đường sắt, Đường sông, Hàng không, Hàng
hải, Đăng kiểm, Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông; Giám đốc
các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính); Tổng Giám đốc, Giám đốc các
doanh nghiệp trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình phải xây dựng và tổ
chức thực hiện tốt các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn giao thông,
phòng chống cháy nổ và an toàn lao động. Cụ thể như sau:
- Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ
trì và phối hợp với các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) tổ chức
kiểm tra để chấn chỉnh và xử lý kịp thời đối với các trạm đăng kiểm làm sai quy
định. Nghiêm cấm các phương tiện vận tải đường bộ, vận tải đường sông không đảm
bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
- Cục Đường bộ Việt Nam tăng
cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống quốc lộ, bổ sung đầy đủ cọc tiêu,
biển báo theo quy định; cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện
pháp đảm bảo an toàn giao thông trên những tuyến quốc lộ đang xây dựng, cải tạo.
Chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) tập trung kiểm tra
việc thực hiện pháp luật của các đơn vị tham gia vận chuyển hành khách, hàng
hóa, chú trọng việc đảm bảo trật tự an toàn đối với vận tải khách công cộng tại
các thành phố lớn. Tăng cường xử lý các phương tiện chở quá tải đặc biệt là vận
chuyển khác liên tỉnh:
- Cục Đường sông Việt Nam, Cục
Hàng hải Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nội địa và Cảng vụ
hàng hải kiểm tra nghiêm túc.
c) Thực hiện các giải pháp bảo
đảm an toàn giao thông và phòng chống cháy của tất cả các loại phương tiện trước
khi xuất bến;
- Cục Hàng không chỉ đạo các
doanh nghiệp vận tải hàng không tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn
bay, an toàn phòng chống cháy nổ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay,
phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách.
2. Các cơ
quan, doanh nghiệp thuộc Bộ, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính),
tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an
toàn lao động, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông. Tăng cường kiểm
tra chất lượng kỹ thuật phương tiện vận tải, đảm bảo an toàn nhu cầu đi lại của
hành khách; chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện phải thực hiện nghiêm
việc kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật, thiết bị phòng cháy của phương tiện
trước và trong quá trình vận tải: giáo dục, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công nhân
ý thức chấp hành pháp luật.
3. Các sân
bay, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến phà phải được tu sửa, chỉnh trang sạch đẹp, thường
xuyên kiểm tra việc đảm bảo trật tự an toàn, công tác phòng cháy, chữ cháy của
các đơn vị trong khu vực; có các biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển các chất dễ
gây cháy nổ cùng với hành khách.
4. Lực lượng
Thanh tra chuyên ngành đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn những
hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, trật tự an toàn giao thông để có
biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn đối với các tuyến đường bộ, đường
sông, đường sắt; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao
thông tại các điểm giao cắt trên các tuyến đường bộ, đường ngang đường sắt.
5. Các đơn vị
làm nhiệm vụ thi công hoặc quản lý và sửa chữa công trình giao thông đẩy nhanh
tiến độ hoàn thành công trình, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người lao động.
Đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động đối với
công trình sửa chữa, nâng cấp trên các quốc lộ có lưu lượng xe qua lại thường
xuyên.
6. Các Sở
Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) chỉ đạo Thanh tra giao thông phối
hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông. Cảnh sát trật tự kiểm tra tại các bến xe
và khu vực ngoài bến xe, bến tàu khách, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm. Tại các điểm thường xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông cần nghiên cứu
và có biện pháp giải quyết kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông.
7. Giao
Thanh tra Bộ hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các lực lượng Thanh tra chuyên
ngành: Đường bộ, Đường sắt, Đường sông thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của
mình trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ngăn chặn các hành vi tiêu cực;
phối hợp với Vụ Vận tải, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này của các đơn vị,
báo cáo và đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm.
8. Giao Vụ Vận
tải theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; chủ trì kiểm tra việc
thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; tổng hợp báo cáo Lao động Bộ
kết quả thực hiện.
Yêu cầu các Cục trưởng, Thủ
trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông
công chính), Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp khẩn trương triển khai,
quán triệt tới từng cán bộ công nhân viên trong ngành, cơ quan, đơn vị nội dung
Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, khó khăn cần
báo cáo kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo)
- Các Bộ: Công an, Lao động TB&XH (để phối hợp)
- Ủy ban ATGT Quốc gia (để phối hợp)
- Lãnh đạo Bộ GTVT;
- Các Cục, Vụ, Thanh tra bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT;
- Các Tổng công ty: đường sắt Việt Nam, Công nghiệp tầu thủy Việt Nam;
- Các Sở GTVT (GTCC);
- Lưu VT, Vtải (2)
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Đình Bình
|