Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Chỉ thị 32/CT-BGTVT năm 2014 tăng cường thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải

Số hiệu 32/CT-BGTVT
Ngày ban hành 30/12/2014
Ngày có hiệu lực 30/12/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) như: Chương trình hành động số 37/BSCĐ-BGTVT ngày 05/3/2014 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Kế hoạch liên tịch số 2476/BGTVT-CĐGTVTVN ngày 11/3/2014 giữa Bộ Giao thông vận tải và Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam (Công đoàn GTVTVN) triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng, trong đó đề ra mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện cụ thể cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành Giao thông vận tải (GTVT) và nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp trong công tác này.

Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành đã quan tâm, chú trọng việc đầu tư kinh phí, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ-PCCN... vì vậy, công tác ATVSLĐ-PCCN của Bộ GTVT có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động ngày càng được nâng cao; điều kiện, môi trường m việc của người lao động được quan tâm, cải thiện hơn; số vụ tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động chết người đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, trong công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như vẫn để xảy ra tai nạn lao động nặng, chết người, tai nạn cho người tham gia giao thông... nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước và của Bộ về công tác bảo đảm an toàn lao động, có đơn vị chưa xây dựng đầy đủ quy trình, biện pháp làm việc an toàn; công tác huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đảm bảo. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm hiện còn nhiều hạn chế. Mặt khác, một bộ phận người lao động chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ nội quy, quy trình, quy phạm lao động.

Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, có quy mô lớn, phức tạp trên khắp mọi miền đất nước như: Các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, các dự án đường cao tốc, dự án sân bay, bến cảng, dự án giao thông nông thôn và miền núi... Vì vậy, công tác đảm bảo ATVSLĐ-PCCN là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mỗi người lao động, nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Để thực hiện tốt công tác này, Bộ GTVT đề nghị các cấp ủy đảng, tổ chức công đoàn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành GTVT tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

I. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

1. Về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động

a) Tiếp tục quán triệt Chương trình hành động số 37/BCSĐ-BGTVT ngày 05/3/2014 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải đến toàn thể cán bộ, CNVCLĐ nhằm hiểu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xác định công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

b) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của luật pháp về công tác ATVSLĐ, cụ thể:

- Xây dựng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kế hoạch bảo hộ lao động; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá và có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ ở các cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bố trí phân công cán bộ đủ về số lượng, có năng lực, trình độ chuyên môn để đảm nhiệm công tác ATVSLĐ ở các cấp; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến công tác ATVSLĐ tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

- Thành lập Hội đồng bảo hộ lao động và tạo mọi điều kiện để Hội đồng bảo hộ lao động hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả cao;

- Phân cấp trách nhiệm về công tác bảo hộ lao động từ giám đốc đến người lao động;

- Thành lập, xây dựng nội quy và tổ chức hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên;

- Tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ, người lao động, đội ngũ an toàn vệ sinh viên, cán bộ công đoàn cơ sở để tham gia có hiệu quả công tác ATVSLĐ tại cơ sở;

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn trong việc thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn và vệ sinh lao động, đặc biệt ở những nơi sử dụng nhiều lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn và vệ sinh lao động.

c) Thực hiện huấn luyện về ATVSLĐ

- Người lao động khi được tuyển dụng phải được huấn luyện lần đầu và huấn luyện định kỳ về ATVSLĐ, đặc biệt là ở những nơi hoặc công việc có điều kiện nghiêm ngặt về ATVSLĐ;

- Nghiêm cấm việc sử dụng lao động phổ thông, không có tay nghề, không được tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ vào làm những công việc đòi hỏi có tay nghề, trình độ chuyên môn.

- Nghiêm cấm việc sử dụng lao động nữ vào làm những công việc pháp luật không cho phép.

d) Thực hiện việc đăng ký, kiểm định và quản lý thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo đúng quy định.

đ) Thực hiện việc quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

e) Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

g) Thực hiện bồi dưỡng cho người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

h) Thực hiện nghiêm túc thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

i) Xây dựng chỗ ở, ăn cho người lao động tại các công trường thi công phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đáp ứng các yêu cầu về chỗ ở, ăn theo quy định của pháp luật.

k) Tổ chức điều tra, khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động.

l) Thực hiện báo cáo định kỳ việc tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10/01/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ trong cơ sở lao động.

[...]