Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 31/08/2015
Ngày có hiệu lực 31/08/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 31 tháng 08 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHOÁNG SẢN VÀ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được tăng cường; ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản ngày càng tốt hơn; trong công tác quản lý đã có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn nhiều hạn chế, một số tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ các quy định; khai thác khoáng sản phục vụ công trình, dự án nhưng không lập thủ tục đăng ký theo quy định; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản chưa thường xuyên và sâu rộng.

Thi hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản và để chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản đến các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản;

b) Tiếp tục phối hợp thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng khoáng sản, đảm bảo yêu cầu về môi trường và các yêu cầu khác liên quan; kịp thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp;

c) Hoàn thành đề án khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2015;

d) Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định;

đ) Hàng năm rà soát các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đã được phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương để khai thác, sử dụng vật liệu có hiệu quả vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn;

e) Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử lý hoặc đề xuất xử lý các vi phạm; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đối với UBND cấp huyện; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý, giải tỏa và có biện pháp ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn;

f) Tăng cường quản lý môi trường trong hoạt động khoáng sản, đảm bảo tất cả các hoạt động khoáng sản được cấp phép trên địa bàn phải tuân thủ các quy định về môi trường. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, quản lý việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động khoáng sản; ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các hóa chất độc hại trong khai thác và chế biến khoáng sản để bảo vệ môi trường;

g) Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản Miền Nam trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản được giao. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh hoặc xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành;

h) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các Sở, ngành liên quan xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành trong Quý IV/2015 để tổ chức thực hiện;

i) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh giáp ranh xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở khu vực giáp ranh; tham mưu UBND tỉnh thống nhất ký kết trong Quý I/2016 để tổ chức thực hiện;

k) Chủ trì xây dựng, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước ngày 30/10 hàng năm;

l) Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, kết quả kiểm tra, xử lý việc chấp hành quy định pháp luật khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trong tỉnh theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ báo cáo liên quan đến hoạt động khoáng sản theo quy định.

2. Sở Công Thương:

a) Tổ chức kiểm tra, thẩm định và cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản theo đúng các quy định hiện hành;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; tăng cường quản lý các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản.

3. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát về chất lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Khẩn trương tổ chức rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 (thực hiện trong năm 2015), góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản có liên quan;

b) Chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đã được cấp phép thuộc khu vực có nguồn gốc là đất lâm nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy định, không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng ngoài phạm vi dự án đã cấp, chấp thuận;

c) Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoặc báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để phối hợp xử lý kịp thời theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác, bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên đất lâm nghiệp, vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác để khai thác khoáng sản, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện.

5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản.

[...]