VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/CT-VKSTC
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG OAN, SAI
VÀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM TRONG GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN
TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Thời gian qua,
quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về
công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực triển
khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm
sát viên tại các phiên tòa hình sự, kết quả công tác thực hành quyền công tố và
kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự đạt được kết quả tích cực; tình trạng án
oan, sai giảm dần. Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, so với
yêu cầu cải cách tư pháp và đấu tranh phòng chống tội phạm thì quá trình thực
hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp còn có thiếu sót: một số vụ việc
oan, sai xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Nhiều trường hợp giải quyết bồi
thường thiệt hại cho người bị oan theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan. Tình trạng
nêu trên gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm uy tín của các cơ quan tư
pháp trong đó có ngành Kiểm sát.
Để tạo bước chuyển
biến tích cực, hạn chế khắc phục tình trạng này, thực hiện tốt chức năng, nhiệm
vụ của Ngành theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát
nhân dân năm 2014 trong công tác đấu tranh chống tội phạm; đồng thời, thực hiện
tốt Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về "Tăng cường
các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại
trong hoạt động tố tụng hình sự" Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành:
1. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nghị quyết của
Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là những yêu cầu về
phòng chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
2. Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân theo
quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các văn bản pháp
luật có liên quan nhằm hạn chế việc bỏ lọt tội phạm ngay từ khi khởi tố vụ án,
kiên quyết không để xảy ra các trường hợp oan, sai trong suốt quá trình tố tụng.
3. Tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải
quyết tin báo, tố giác tội phạm; thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng cường trách
nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra;
nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, Lãnh đạo đơn vị trong việc phê chuẩn việc
áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự
sau đó phải xử lý hành chính. Kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục khởi tố vụ án
hình sự, đảm bảo việc khởi tố bị can, phê chuẩn khởi tố bị can thận trọng, có đầy
đủ căn cứ; việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân,
đặc biệt là biện pháp tạm giam đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường
ban hành các yêu cầu điều tra, thực hiện việc phúc cung đối với tất cả các vụ
án hình sự trước khi kết thúc mỗi giai đoạn tố tụng. Kiểm sát chặt chẽ việc tạm
giữ, tạm giam, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động giam giữ, bảo đảm
kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu bị bức cung, nhục hình, xử lý
nghiêm minh các đơn vị, cá nhân có liên quan đến bức cung, nhục hình. Đối với
những vụ án phức tạp, nghiêm trọng, vụ án có quan điểm khác nhau giữa các cơ
quan tiến hành tố tụng phải thực hiện báo cáo thỉnh thị trên một cấp. Cấp kiểm
sát nhận được báo cáo thỉnh thị phải kiểm tra lại hồ sơ tài liệu và sớm có chỉ
đạo kịp thời.
4. Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm
hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc đình chỉ điều tra do hành vi không cấu
thành tội phạm, bảo đảm chính xác thận trọng khi ra quyết định đình chỉ vụ án,
đình chỉ bị can.
Viện kiểm sát
cấp trên có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ đối với quyết định đình chỉ bị can
theo khoản 1 và 2 Điều 25 Bộ luật hình sự, khoản
2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
5. Tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án hình sự theo
quy định của luật. Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên
tòa, bảo đảm truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện kiểm
sát các cấp chủ động, tích cực phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút
kinh nghiệm, với nhiều quy mô khác nhau, chú trọng sử dụng hệ thống truyền hình
trực tuyến để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, mở rộng đối tượng tham gia rút
kinh nghiệm. Từ nay, hồ sơ thi nâng ngạch Kiểm sát viên phải có đĩa ghi hình Kiểm
sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa để xem xét,
đánh giá chất lượng Kiểm sát viên.
Tăng cường
công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, đối với các bản án có vi phạm
phải kịp thời kháng nghị, nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm,
giám đốc thẩm, tái thẩm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại đơn
kêu oan, đơn khiếu nại bức xúc kéo dài, đơn tố cáo vi phạm trong điều tra. truy
tố, xét xử.
6. Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối
hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án
mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã hủy án để
điều tra lại; khẩn trương giải quyết dứt điểm những vụ án quá hạn luật định.
7. Các đơn vị nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát cấp
trên tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ, thông
báo rút kinh nghiệm kịp thời đối với các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung, vụ
án bị Tòa án cấp trên hủy án, án đình chỉ điều tra do không phạm tội, vụ án Tòa
tuyên không phạm tội và các vi phạm khác trong quá trình giải quyết vụ án.
8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các vụ án
hình sự, nhất là đối với các đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều trường hợp oan,
sai; xử lý nghiêm minh, các cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên vi phạm pháp
luật và quy chế của Ngành trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến oan, sai;
đơn vị khiếu tố rà soát các đơn tố cáo vi phạm pháp luật gây oan, sai trong quá
trình điều tra, truy tố, xét xử chuyển Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân
tối cao để xác minh giải quyết đơn kịp thời, đúng pháp luật. Cơ quan điều tra
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát các cấp và
các cơ quan hữu quan tăng cường phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong tố tụng
hình sự dẫn đến oan, sai; kiên quyết khởi tố điều tra, xử lý những trường hợp
gây hậu quả nghiêm trọng; giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo về bức
cung, dùng nhục hình trong giải quyết án hình sự.
9. Đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đối với các vụ việc
oan, sai. Xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, nhất là đối với trường
hợp xảy ra oan, sai nghiêm trọng. Đơn vị để xảy ra oan, sai thì thủ trưởng đơn
vị đó chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSNDTC; kiên quyết không xét các danh
hiệu thi đua đối với đơn vị có án oan. Viện kiểm sát các cấp chú trọng giáo dục
tư tưởng chính trị, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp và trách nhiệm công vụ cho
đội ngũ cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên; điều chuyển bố trí sử dụng cán bộ
phù hợp với năng lực, sở trường, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ có vi phạm
nghiêm trọng hoặc nhiều lần về phẩm chất đạo đức hoặc kỷ luật nghiệp vụ. Vụ Tổ
chức cán bộ tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao có biện pháp
nhằm điều chuyển biên chế phù hợp cho các Viện kiểm sát địa phương và trong mỗi
VKS địa phương nhằm đảm bảo đủ cán bộ làm việc, tránh áp lực công việc.
10. Viện kiểm sát các cấp báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác về
VKSNDTC các trường hợp đình chỉ không tội, các trường hợp Tòa án tuyên không phạm
tội theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý trong ngành Kiểm sát
nhân dân. Rà soát tổng hợp đầy đủ các trường hợp người bị oan và các trường hợp
bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường để kịp thời giải quyết khi người bị oan có
yêu cầu; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường của người bị oan
thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát; có biện pháp giải quyết dứt điểm đối với
các trường hợp có đơn yêu cầu bồi thường từ những năm trước còn tồn đọng; chủ động
và có giải pháp tích cực trong việc thương lượng đối với người có đơn yêu cầu bồi
thường, thẩm định hồ sơ đề nghị bồi thường để trình cơ quan có thẩm quyền sớm cấp
kinh phí bồi thường, hạn chế việc người bị thiệt hại khởi kiện đòi bồi thường
ra Tòa án; xem xét, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm hoàn trả đối với người thi
hành công vụ đã gây thiệt hại theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Vụ
Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự phối hợp với các đơn vị
trong Ngành và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy trình giải
quyết việc bồi thường cho người bị oan thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát
nhân dân, nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Viện phối hợp với các Bộ ngành liên
quan sửa đổi Thông tư liên tịch số 05/2012 ngày 02/11/2012 của VKSNDTC-TANDTC-Bộ
Công an-Bộ Tư pháp-Bộ Quốc phòng-Bộ Tài chính hướng dẫn trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự bảo đảm phù hợp với quy định của
BLHS, BLTTHS, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Viện KSND các cấp chủ động
rà soát phối hợp xây dựng hoàn thiện các quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra,
Tòa án cùng cấp bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống oan sai trong
giải quyết án hình sự.
11. Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ,
nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các
chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu và nâng cao phương pháp, kỹ năng thực
hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.
12. Vụ Pháp chế và quản lý khoa học phối hợp với các đơn vị trực thuộc,
Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổng kết thực tiễn, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ
sung các quy định của pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm
sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống bức
cung, dùng nhục hình và chống oan, sai trong tố tụng hình sự.
13. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp
cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của mình, tổ chức quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị này và
chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác
phòng chống oan sai, thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước đối với người
bị oan thuộc phạm vi trách nhiệm cấp mình.
Chánh Văn
phòng, Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch Nước (để báo cáo)
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để báo cáo)
- Ủy ban Tư pháp Quốc hội (để báo cáo)
- Ban Nội chính Trung ương (đế báo cáo)
- Lãnh đạo Viện KSNDTC (để chỉ đạo thực hiện)
- Viện kiểm sát quân sự Trung ương
- Các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
- Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực Trung ương;
- Thủ trưởng các đơn vị Viện KSND tối cao;
- Lưu VT, Vụ 7./.
|
VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Hòa Bình
|