Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2012 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/CT-TTg
Ngày ban hành 20/01/2012
Ngày có hiệu lực 20/01/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU, KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG

Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG. Tuy nhiên, hiện tượng gian lận về chất lượng, đo lường, chưa tuân thủ các quy định, điều kiện kinh doanh, an toàn phòng, chống cháy nổ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG còn diễn biến phức tạp, đặc biệt đã xảy ra một số tai nạn trong quá trình sử dụng xăng dầu, LPG, có vụ việc rất nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu, LPG chưa nghiêm túc; việc cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người tiêu dùng trong mua, sử dụng xăng dầu, LPG bảo đảm an toàn chưa được thực hiện đầy đủ; công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện chưa triệt để, chưa thường xuyên, thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe …

Nhằm tăng cường kỷ cương pháp luật, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh xăng dầu và LPG, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 105/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy nổ xe cơ giới. Để bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và LPG thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và LPG, chế tài xử lý, quy trình quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị cũng như sử dụng an toàn xăng dầu, LPG.

b) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và LPG, nhất là vi phạm về đo lường, chất lượng, điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ.

c) Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và LPG theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, LPG trên địa bàn; tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, LPG của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu và LPG trên địa bàn, xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi vi phạm, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ đối với thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu; thương nhân đầu mối, tổng đại lý và đại lý LPG, cửa hàng bán LPG chai, trạm nạp, trạm cấp LPG, cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ phải đình chỉ hoạt động, bị thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Xóa bỏ các điểm pha chế, bán xăng dầu, sang chiết, nạp LPG trái phép.

- Kiểm tra việc chấp hành quy định về tồn chứa, vận chuyển xăng dầu, LPG; chai LPG và các thiết bị an toàn. Đình chỉ ngay hoạt động của các phương tiện tồn chứa, vận chuyển xăng dầu, LPG không bảo đảm điều kiện theo quy định.

- Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, LPG. Kiên quyết chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để khởi tố hình sự đối với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng theo quy định.

b) Rà soát, đánh giá sự phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG với thực tế sản xuất, kinh doanh; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu và LPG (về điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện khoảng cách an toàn tối thiểu trong cơ sở kinh doanh LPG …).

c) Chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát và xây dựng phương pháp phù hợp di dời các cơ sở kinh doanh xăng dầu, LPG ra khỏi các khu tập trung đông dân cư, không thuận lợi cho công tác phòng cháy chữa cháy.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý chặt chẽ về chất lượng, an toàn trong kinh doanh xăng dầu và LPG; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và các vi phạm khác theo thẩm quyền.

b) Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra chất lượng xăng dầu nhập khẩu cũng như tiêu dùng trong nước; đề xuất biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Bộ Công an

a) Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu và LPG.

b) Chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung nắm tình hình, phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm pha chế xăng dầu, sang chiết LPG trái phép, các hành vi ăn cắp xăng dầu, pha trộn trái phép các chất khác vào xăng dầu, nhất là hành vi có tổ chức, quy mô lớn; kiên quyết, kịp thời khởi tố vụ án hình sự để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

c) Chỉ đạo điều tra, xác định ngay nguyên nhân các vụ cháy, nổ phương tiện vận tải sử dụng xăng dầu; các vụ cháy nổ LPG; công khai kết luận điều tra theo quy định và khuyến cáo kịp thời cho người dân để phòng ngừa.

d) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh, sử dụng xăng dầu, LPG.

đ) Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu và LPG, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu và LPG.

b) Hướng dẫn, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu và LPG; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, LPG.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

[...]