Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường ở các thành phố, thị trấn và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 14/03/2017 |
Ngày có hiệu lực | 14/03/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký | Đinh Văn Đến |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Ninh Bình, ngày 14 tháng 03 năm 2017 |
Trong những năm qua, các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các thành phố, thị trấn và các khu, điểm du lịch, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị và phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Tình hình trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được duy trì thường xuyên; còn tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sử dụng sai quy định; vệ sinh môi trường ở một số tuyến phố chưa đảm bảo, tình trạng để rác, xả nước thải ra đường, nhất là tại các công trình xây dựng đang thi công vẫn còn diễn ra phổ biến; việc thu gom rác thải tại các khu, điểm du lịch còn hạn chế, chưa triệt để... Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân còn hạn chế; lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu; việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo trật tự đô thị và vệ sinh môi trường ở các thành phố, thị trấn và các khu, điểm du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tri số 23-TT/TU ngày 04/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” và Thông tri số 08-TT/TU ngày 03/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức ký cam kết, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm và tự giác chấp hành các quy định, nội quy hiện hành; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, để vật liệu xây dựng, tổ chức đám cưới, đám tang, tổ chức sự kiện; xả rác thải nơi công cộng... để đưa công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường thành nền nếp, bền vững.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tri số 23-TT/TU ngày 04/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”; tổ chức khảo sát, đánh giá, sơ kết các mô hình, phong trào đang phát huy hiệu quả để nhân rộng, đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn các “Nhóm tự quản về trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường” tại các khu dân cư. Chú trọng phát huy vai trò của các đồng chí Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, xóm, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín và sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân.
- Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường, nhất là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để sử dụng trái quy định. Phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, tham mưu việc bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng các chợ đầu mối, điểm kinh doanh, dịch vụ; bố trí điểm trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tĩnh, có biển chỉ dẫn và kẻ vạch sơn để người dân biết, thực hiện; bố trí đủ các thùng rác và triển khai xây dựng các điểm vệ sinh nơi công cộng tại các vị trí thuận tiện, phù hợp.
- Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền quy chế quản lý trật tự đô thị trên địa bàn với nội dung cụ thể, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại hệ thống biển hiệu quảng cáo, đồng thời thường xuyên kiểm tra các dự án, công trình đang xây dựng của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn để chủ động có biện pháp giải quyết, xử lý những vấn đề ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
- Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân về thực hiện các giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo vệ sinh môi trường; giao trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức liên quan phụ trách, chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đơn vị, cán bộ, nhân viên để xảy ra các vi phạm trên. Đồng thời có giải pháp huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách địa phương để đầu tư chỉnh trang đô thị, cảnh quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
- UBND huyện Hoa Lư thực hiện có hiệu quả Công văn số 384/UBND - VP5 ngày 17/10/2016 của UBND tỉnh về việc xây dựng Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn hóa, văn minh, an toàn; thành lập và duy trì các “Nhóm tự quản về trật tự, văn minh đô thị, tự quản về lái đò, xe ôm, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ khác và vệ sinh môi trường” tại Khu du lịch để tổ chức hoạt động hiệu quả.
- Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tiếp tục làm chuyển biến rõ nét công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định trật tự công cộng, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để sử dụng trái quy định.
- Thường xuyên phát động, xây dựng, duy trì và nhân rộng các phong trào, mô hình có hiệu quả, trọng tâm là các “nhóm tự quản về trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường” và thực hiện nếp sống văn minh tại địa bàn cơ sở. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, xóm và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành, kịp thời phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng những hành vi vi phạm để ngăn chặn, xử lý.
- Tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, nhất là tại các trục đường chính, phía trước trụ sở cơ quan, công sở, các khu điểm du lịch để xây dựng kế hoạch giải quyết triệt để, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khảo sát lại toàn bộ các điểm đỗ đậu và trông giữ xe trên địa bàn toàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp lại và phân công trách nhiệm rõ ràng để quản lý, kiên quyết không để hình thành các điểm đỗ, đậu, trông giữ xe tự phát. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiến nghị điều chỉnh tổ chức giao thông, khắc phục các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông trên các tuyến đường cho phù hợp. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông đảm bảo tiến độ, an toàn và chất lượng để đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn.
- Rà soát, bố trí, bổ sung hệ thống biển báo giao thông cho phù hợp với từng tuyến đường. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với lực lượng Công an tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, dừng đỗ phương tiện... trái quy định, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý vệ sinh môi trường đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhũng tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép xây dựng theo thẩm quyền để đảm bảo thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND các huyện, thành phố; UBND các phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo cảnh quan, môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh.
6. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở nơi đóng chân chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường và tích cực tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức; gương mẫu trong thực hiện và vận động người thân, gia đình chấp hành nghiêm túc các quy định của chính quyền địa phương nơi cư trú.
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, duy trì và nhân rộng các “Nhóm tự quản về trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường”. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh).
Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./