Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 02/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 26/04/2014
Ngày có hiệu lực 06/05/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2014/CT-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc tổ chức thực hiện từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra đã phát hiện nhiều văn bản trái pháp luật hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để kịp thời xử lý, khắc phục.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế: một số Sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nên công tác này được thực hiện chưa thường xuyên, toàn diện, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Việc gửi văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác rà soát, cập nhật thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý chưa được chú trọng thực hiện; công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà văn bản được kiểm tra điều chỉnh chưa thật sự hiệu quả. Kinh phí, biên chế và các điều kiện đảm bảo khác phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh

- Tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, Quyết định số 56/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quy chế kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, nhất là đối với những cán bộ trực tiếp tham mưu soạn thảo, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

- Củng cố, kiện toàn, bố trí cán bộ pháp chế đảm bảo đủ tiêu chuẩn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng, rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

- Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ; Quyết định số 56/2013/QĐ- UBND ngày 31/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 06/8/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, vi phạm trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Giám đốc Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.

Khi phát hiện văn bản trái pháp luật kịp thời thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản thực hiện tự kiểm tra xử lý theo thẩm quyền; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả kiểm tra, cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét xử lý, quá thời hạn xử lý mà chưa xử lý, không xử lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập thủ tục, trình cấp có thẩm quyền đình chỉ thi hành hoặc hủy bỏ văn bản trái pháp luật và đề nghị xử lý trách nhiệm của đơn vị có văn bản trái pháp luật theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tổ chức các đoàn kiểm tra về tình hình xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tăng cường công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành. Thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, xử lý, hệ thống hóa văn bản bản quy phạm pháp luật.

- Thực hiện tốt việc thống kê số liệu về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng báo cáo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

3. Giám đốc Sở Tài chính:

- Hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí cho các đơn vị địa phương đảm bảo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng, kiểm tra văn bản cho cấp huyện, cấp xã.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; thường xuyên tiến hành kiểm tra, kịp thời xử lý văn bản do Ủy ban nhân dân cấp huyện, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.

- Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp các cơ quan chuyên môn tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; tổ chức xây dựng đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản trên địa bàn.

- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của Phòng Tư pháp cấp huyện, thành phố; đảm bảo biên chế, kinh phí; tăng cường các cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có kiến thức pháp luật làm công tác tham mưu soạn thảo, thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

- Thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản quy phạm pháp luật đến cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh để kiểm tra theo thẩm quyền và chế độ báo cáo công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất.

Giao Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu tổng hợp báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp, UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 21/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thi hành Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

[...]