Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu | 07/CT-UBND |
Ngày ban hành | 03/04/2014 |
Ngày có hiệu lực | 03/04/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Nguyễn Đình Xứng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 03 tháng 4 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Thực hiện Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; trong thời gian qua, công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đã được các Sở, ban, ngành, UBND các cấp quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL còn có những tồn tại, hạn chế, đó là: Một số Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa quan tâm đúng mức trong việc bố trí biên chế, kinh phí và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; chưa chủ động trong việc triển khai hoạt động kiểm tra văn bản QPPL, đặc biệt là công tác tự kiểm tra văn bản, dẫn đến vẫn còn văn bản trái pháp luật chưa được kiểm tra, phát hiện kịp thời đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; trình độ năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, chưa tập trung đi sâu vào nội dung văn bản; chưa chú trọng kiểm tra những văn bản thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc được dư luận quan tâm; công tác thống kê, báo cáo kết quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL còn gửi chậm thời gian quy định.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh:
Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và tổ chức pháp chế của cơ quan, đơn vị mình. Tổ chức pháp chế phải là đầu mối tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan trong công tác xây dựng văn bản QPPL, tổ chức thực hiện rà soát, kiểm tra văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành được giao; chủ động phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản QPPL, theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ.
2. Sở Tư pháp:
a) Tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra văn bản QPPL; hàng năm nghiên cứu tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra văn bản QPPL để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra các văn bản QPPL theo thẩm quyền, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều nổi cộm, bức xúc; xử lý kịp thời những văn bản trái pháp luật được phát hiện qua kiểm tra hoặc đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo.
b) Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kịp thời tham mưu, kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý những văn bản ban hành có nội dung, hình thức không đúng theo quy định hoặc trái pháp luật được phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra văn bản.
c) Xây dựng Kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra và xử lý văn bản cho đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản, công chức pháp chế ngành và công chức làm công tác kiểm tra văn bản trên địa tỉnh.
d) Định kỳ hàng năm, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức rà soát văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành và tổng hợp chung vào hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản; tổng kết, đánh giá công tác xây dựng, ban hành văn bản và công tác tự kiểm tra văn bản.
3. Sở Tài chính: Hàng năm, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí dự toán ngân sách bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Sở Nội vụ: Hướng dẫn các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện bố trí cán bộ, công chức trong biên chế được giao hàng năm để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết phải bổ sung biên chế, báo cáo UBND tỉnh.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương; thường xuyên tự kiểm tra và xử lý văn bản do mình và HĐND cùng cấp ban hành; đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý văn bản tại cấp xã.
b) Chỉ đạo phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL theo quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, gửi UBND cấp huyện theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |