Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường công tác hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu | 02/2014/CT-UBND |
Ngày ban hành | 06/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 16/03/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký | Trần Thành Lập |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Dịch vụ pháp lý |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2014/CT-UBND |
Vị Thanh, ngày 06 tháng 03 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Trong thời gian qua việc triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn được duy trì và phát huy hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung thiết thực và hình thức đa dạng thông qua các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, giải đáp pháp luật, tiếp nhận ý kiến, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,… góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này nên việc chỉ đạo triển khai chưa thường xuyên; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý tại các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phần lớn kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế nên chưa có sự phối hợp tốt trong việc triển khai các hoạt động; việc thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn… từ đó ảnh hưởng chung đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) chỉ thị:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động để tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo đúng quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ.
b) Tiếp nhận, giải đáp kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định.
c) Tiếp tục củng cố, kiện toàn các Tổ chức pháp chế theo đúng quy định pháp luật để đội ngũ này trực tiếp tham mưu thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Sở Tư pháp
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện) tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực.
b) Tăng cường thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được phê duyệt, đa dạng hóa hình thức, chất lượng về nội dung, đảm bảo thông tin cần thiết về kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp.
c) Tiến hành thường xuyên các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về hỗ trợ pháp lý cho đội ngũ pháp chế các sở, ngành và pháp chế doanh nghiệp.
d) Tiếp nhận, tổng hợp kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan Trung ương theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan
Thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc sự quản lý của đơn vị mình; đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành có liên quan trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cần thiết cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của UBND tỉnh về mức chi kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Tăng cường công tác quản lý, điều hành hệ thống cơ sở dữ liệu, đảm bảo hoạt động hiệu quả; cập nhật thường xuyên và đăng tải kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành phục vụ doanh nghiệp và người dân.
6. Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh
Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tiếp nhận, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật để Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
7. UBND cấp huyện
Cung cấp thông tin liên quan đến hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thuộc thẩm quyền đăng ký kinh doanh của UBND cấp huyện; đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
8. Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
a) Chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật;
b) Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý theo quy định.
9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.