Chỉ thị 01/CT-BTTTT định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2022-2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 01/CT-BTTTT
Ngày ban hành 18/01/2022
Ngày có hiệu lực 18/01/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG NĂM 2022 VÀ GIAI ĐOẠN 2022-2024

Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nghị quyết Đại hội đã lần đầu tiên đề cập những khái niệm như: Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, tầm nhìn và định hướng phát triển và các đột phá chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên cụm từ “khát vọng Việt Nam” được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng, trong đó, báo chí, truyền thông “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” góp phần mạnh mẽ tạo thế và lực mới cho ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) phát triển.

Năm 2021 cũng là năm Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Dưới sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, sự quản lý, điều hành quyết liệt, cụ thể của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và đồng bào, chiến sĩ cả nước đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch; hạn chế tối đa thiệt hại và kiềm chế được dịch bệnh; tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Những thách thức do dịch Covid-19 đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp và Chính phủ chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam và sẽ tiếp tục mang lại sự thay đổi mang tính toàn diện đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân và mọi lĩnh vực. Nhờ đó, ngành TTTT đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong năm vừa qua.

Giai đoạn 2022-2024 là giai đoạn quan trọng để Việt Nam tập trung phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong quá trình đó, ngành TTTT cần nỗ lực, cố gắng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong phục hồi, phát triển kinh tế.

Năm 2022 là thời điểm đầu tiên của 3 năm phục hồi sau dịch Covid-19 (giai đoạn 2022-2024). Dự báo trong năm 2022, tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn trên phạm vi toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và có khả năng thấp hơn năm 2021; các rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên tuy nhiên nguy cơ về chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong năm 2022, bên cạnh việc bám sát quan điểm phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng; trọng tâm của việc phát triển là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2022-2024 là tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế đối phó với dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế. Tiếp tục ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế, bao gồm thể chế số và nghiên cứu, bổ sung khung thể chế cho Sandbox để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số dự án trọng điểm quốc gia; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực thông qua các nền tảng đào tạo trực tuyến và cấp chứng chỉ, gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khẩn trương triển khai các dự án hạ tầng nền tảng số quốc gia dùng chung; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin mở rộng đầu tư nội dung số trong các ngành công nghiệp và dịch vụ như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp an toàn thông tin mạng. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường.

1. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2022, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc ngành TTTT tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của ngành TTTT với việc cụ thể hóa 10 chữ vàng truyền thống của Ngành là “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ TTTT khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và quyết tâm hoàn thành tốt Kế hoạch đề ra, và các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị; nỗ lực phấn đấu với tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng các sáng kiến, thực hành về tăng trưởng xanh và kinh tế xanh, dựa trên nền tảng số, kinh tế số và xã hội số.

2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022 và giai đoạn 2022-2024

2.1. Lĩnh vực Bưu chính

Chuyển đổi số đang mở ra không gian phát triển mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực và công nghệ số được xác định là cốt lõi cho các mô hình tăng trưởng. Với sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới số, hoạt động bưu chính đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ trên không gian mạng với sự bùng nổ của thương mại điện tử. Dịch vụ bưu chính hiện nay đã được mở rộng theo hướng là kênh chuyển phát hàng hóa cho thương mại điện tử và được ví như huyết mạch của nền kinh tế, nhất là trong hoàn cảnh thiên tai, thảm họa, dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, lĩnh vực Bưu chính hiện đang còn thiếu các cơ chế, chính sách được thiết kế một cách tổng thể và toàn diện, cơ bản và dài hạn với hệ thống các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ cũng như cách thức, biện pháp để hiện thực hóa vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Bưu chính trong thời đại số.

2.1.1 Nhiệm vụ năm 2022 và giai đoạn trung hạn

2.1.1.1. Nhiệm vụ năm 2022

Năm 2022, Bưu chính tiếp tục hướng đến phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, trọng tâm trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Huy động tốt hơn các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào thúc đẩy phát triển lĩnh vực bằng các giải pháp, cách làm đột phá, khác biệt. Trong đó, chú trọng xây dựng, triển khai mô hình Vụ Bưu chính ảo để huy động nguồn lực chuyên gia tham gia trong và ngoài nước phản biện xã hội, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực bưu chính.

Định hướng, dẫn dắt, đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ bưu chính xây dựng, phát triển các nền tảng Make in Viet Nam để thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính, đảm bảo chuỗi cung ứng bưu chính và logistics hiệu quả; Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính lớn chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp công nghệ.

Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hóa mô hình phân phối hiện đại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, logistics; đẩy mạnh phân phối qua thương mại điện tử, phương thức thanh toán thông minh, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc, bảo đảm hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Đến hết năm 2022, Việt Nam đạt thứ hạng 46 theo xếp hạng Chỉ số phát triển bưu chính (2IPD) của Liên minh Bưu chính thế giới UPU.

2.1.1.2. Nhiệm vụ giai đoạn 2022-2024

Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2024 là số hóa hệ thống dữ liệu Tem bưu chính, nâng cấp phần mềm quản lý kho Tem bưu chính; xây dựng Cổng dữ liệu bưu chính; nâng cấp phần mềm quản lý cấp phép bưu chính; Cập nhật, lưu trữ dữ liệu về cấp phép phục vụ công tác tra cứu, quản lý thị trường.

Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam để phát triển bền vững và bảo vệ các quyền lợi của doanh nghiệp bưu chính, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính. Từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm và vị thế của lĩnh vực Bưu chính trong xu thế phát triển của kinh tế - xã hội giai đoạn “bình thường mới”. Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về 2IPD vào năm 2024, nhằm khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2.2. Lĩnh vực Viễn thông

Hạ tầng viễn thông trong những năm vừa qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ đầu tư đi trước, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

2.2.1 Nhiệm vụ năm 2022 và giai đoạn trung hạn

2.2.1.1. Nhiệm vụ năm 2022

Trong năm 2022, lĩnh vực viễn thông tiếp tục đẩy mạnh triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Viet Nam, nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp tăng cường dùng chung chia sẻ hạ tầng viễn thông. Đề xuất kế hoạch nghiên cứu công nghệ 6G tại Việt Nam.

[...]