Chỉ thị 01/2005/CT-UB về tổ chức phục vụ Tết nguyên đán Ất Dậu năm 2005 tại Thủ đô Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 01/2005/CT-UB
Ngày ban hành 06/01/2005
Ngày có hiệu lực 06/01/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2005/CT-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT DẬU NĂM 2005 TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI.

Năm 2005 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII, các chương trình đề án công tác của Thành ủy. Trong năm 2005, trên địa bàn Thành phố sẽ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm và các ngày lễ lớn: 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 30 năm ngày giải phóng miền Nam, 115 năm ngày sinh Bác Hồ, 60 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Đại hội Đảng bộ các cấp Thành phố Hà Nội  và đặc biệt là kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội . Phát huy những kết quả đạt được của năm 2004, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế; Gắn tăng trưởng với mục tiêu giảm nghèo, giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội, cải thiện mức sống cho dân cư; tiếp tục tăng cường quản lý và duy trì trật tự, kỷ cương văn minh đô thị. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII, Nghị quyết HĐND Thành phố về Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 đã đề ra.

Để chuẩn bị và tổ chức đón Xuân mới Ất Đậu năm 2005 thực sự vui tươi, lành mạnh, đồng thời phải tiến bộ hơn các năm trước về mọi mặt, nhất là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo không khí phấn khởi và nâng cao niềm tự hào, vinh dự và trách nhiệm với “Thủ  đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, tạo khí thế thi đua mới trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, UBND Thành phố Chỉ thị :

1. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội Thành phố:

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48/2004/CT-TTg ngày 24/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón tết Ất Dậu năm 2005, đặc bịêt là tinh thần chỉ đạo về tiết kiệm, chống lãng phí :

+ Chuẩn bị tổ chức các hoạt động đón tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí. Tổ chức chúc tết tại cơ quan, đơn vị với tinh thần đơn giản, tiết kiệm; giành thời gian nghỉ tết theo chế độ cho gia đình và thăm hỏi họ hàng, người thân.

+ Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân Thủ đô triệt để thực hành tiết kiệm. Nghiêm cấm lợi dụng lễ, tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí, sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc tiền, tài sản có nguồn gốc từ ngân sách, từ công quỹ, từ mọi nguồn tài trợ để thưởng, biếu, tặng, cho các tổ chức hoặc cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ quy định của Nhà nước trong bất cứ trường hợp nào, nhất là các dịp ngày lễ, ngày Tết, ngày kỷ niệm thành lập, tổng kết mừng công, đón nhận các danh hiệu Nhà nước,...Những đơn vị được trích quỹ thưởng theo chế độ cho đơn vị, cá nhân có công trong phối hợp, giúp đỡ thì phải công khai danh sách thưởng và mức thưởng cho toàn thể cơ quan, đơn vị biết. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán không được sử dụng xe công để phục vụ các họat động cá nhân.

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên, học sinh và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện Nghị quyết số 05/CP ngày 11/1/1997 của Chính phủ, Chỉ thị số 406/TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản liên quan của Chính phủ và Thành phố về cấm sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo và đồ chơi nguy hiểm để mọi người dân nhận thức rõ và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh. 

- Chuẩn bị chu đáo, tổ chức có hiệu quả phong trào trồng cây nhớ Bác; tiếp tục trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan, làm cho Thủ đô ngày càng thêm "xanh - sạch - đẹp".

2. Công an Thành phố:  Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố, các cấp chính quyền địa phương có các phương án cụ thể, phù hợp bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho nhân dân vui Tết; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm vui chơi giải trí trong những ngày Tết.

 Phối hợp với Sở Giao thông Công chính triển khai các giải pháp tránh ùn tắc giao thông trên tất cả các tuyến đường của Thành phố, kể cả các giải pháp tình thế đặc biệt, phấn đấu giảm đến mức tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông trong những ngày Tết.

 Phối hợp với các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý hộ khẩu, nhất là ở các quận, các khu đông dân cư; có kế hoạch, biện pháp phòng cháy, chữa cháy; ngăn chặn, xử lý nghiêm theo pháp luật hành vi đua xe máy trái phép, gây rối trật tự công cộng, không để xẩy ra đốt pháo nổ, trọng án trong những ngày Tết; triệt phá các ổ nhóm buôn lậu, buôn bán, sản xuất hàng giả, buôn bán ma tuý, cờ bạc, số đề, mại dâm, mê tín dị đoan. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

3. Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố: Phối hợp với Công an Thành phố, các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Ất Dậu 2005 đúng thời gian, đúng số lượng và an toàn tuyệt đối.

4. Sở Giao thông Công chính: Phối hợp với Tổng công ty Vận tải tăng cường năng lực vận chuyển hàng hoá và hành khách công cộng để phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết. Phối hợp với Công an Thành phố phân luồng, tổ chức giao thông, phấn đấu giảm đến mức tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông.

Có phương án cung cấp đủ nước sạch; khơi thông, làm thoát nước thải, không để tình trạng thiếu nước sạch hay úng ngập nước thải xẩy ra trong những ngày Tết. Chỉnh trang các công viên, vườn hoa, các dải phân cách đường nội thành, trồng và đặt các chậu hoa di động với nhiều loại cây hoa đẹp ở các tuyến phố chính, các nơi công cộng; tăng cường hệ thống chiếu sáng và đèn trang trí công cộng. Tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết rác thải trong ngày, đặt thêm nhà vệ sinh công cộng ở những khu vực trung tâm, những nơi vui chơi đông người... Kiên quyết xử lý các vi phạm về giá dịch vụ, như: giá dịch vụ tại các công viên, khu vui chơi, giá cước xe vận tải hành khách, giá trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp.

5. Sở Thương mại: Có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng hoá, nhất là hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… trên địa bàn để kịp thời có biện pháp đảm bảo thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Phối hợp với Tổng công ty Thương mại chuẩn bị lực lượng hàng hoá có chất lượng tốt, chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Cùng ngành chức năng và UBND các Quận, Huyện yêu cầu các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện văn minh thương mại, niêm yết công khai giá bán hàng hóa - dịch vụ, đồng thời phối hợp với Công an, Hải quan, Thuế và các Sở, Ngành chức năng, UBND các Quận, Huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trong đó tập trung vaò một số mặt hàng: thuốc lá, rượu, bia, đường, bánh, mứt, kẹo, pháo, thuốc nổ, đồ chơi trẻ em gây nguy hiểm, vật phẩm văn hoá đồi truỵ..

6. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Thương mại, Cục Thuế, các Sở, Ngành liên quan và UBND các Quận, Huyện triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 08/2004/CT-BTC ngày 27/12/2004 của Bộ Tài chính về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, thường xuyên nắm chắc diễn biến giá cả thị trường, thực hiện chế độ báo cáo nhanh về Bộ Tài chính  và UBND Thành phố để có biện pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá, không để xẩy ra đột biến giá trước và sau Tết.

7. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tổ chức cung cấp thực phẩm sạch, rau an toàn cho nhân dân. Phối hợp với Sở Y tế, Sở  Thương mại, Công an Thành phố và chính quyền một số địa phương lân cận tổ chức các chốt kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cửa ô vào Thành phố. Tăng cường kiểm tra, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chủ động dập tắt dịch khi có dấu hiệu dịch bệnh.

8. Sở Y tế: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thương mại, Công an Thành phố và chính quyền địa phương tổ chức các Đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh, giữ vệ sinh ăn uống, không để xẩy ra ngộ độc thức ăn tập thể trong những ngày Tết; kiểm tra vệ sinh môi trường, dập tắt ngay các ổ gây dịch bệnh; Chỉ đạo các bệnh viện tổ chức trực ban liên tục, đảm bảo duy trì tốt việc khám chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu người bệnh trong những ngày Tết.

9. Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Thành uỷ, Văn phòng HĐND Thành phố, V¨n phßng UBND Thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố: Phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh và các đối tượng chính sách xã hội khác.

10. Sở Văn hoá Thông tin, Sở Thể dục Thể thao: Phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức nhiều hình thức văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao phong phú, lành mạnh, phù hợp với tập quán dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đang có mặt tại Thủ đô Hà Nội. Có nhiều hình thức trang trí đẹp, văn minh ở những khu vực trung tâm, các tuyến phố chính và những điểm tổ chức Lễ hội. Tăng cường quản lý, thiết lập trật tự, kỷ cương trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, bài trừ mê tín dị đoan.

11. Các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố: Bám sát các nhiệm vụ của các Sở, Ngành để tuyên truyền, biểu dương những đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích phục vụ Tết, phê bình kịp thời các hành vi xấu. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng các chương trình phong phú, sinh động, phù hợp với tập quán và nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.

12. Công ty Điện lực Hà Nội: Đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện sinh hoạt trong những ngày Tết; có phương án cấp điện dự phòng đối với các khu vực trọng điểm; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra công tác an toàn, kịp thời xử lý các sự cố về điện.

13. Bưu điện Hà Nội: Đảm bảo thông tin kịp thời, thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân trong dịp Tết.

14. UBND các Quận, Huyện: Tổ chức các điểm vui chơi lành mạnh trong dịp Tết phục vụ nhân dân trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, giữ vững trật tự kỷ cương, vệ sinh môi trường; duy trì trật tự an toàn giao thông, các tuyến phố văn minh đô thị; thực hiện tốt Chỉ thị 04/2003/CT-UB ngày 17/1/2003 của UBND Thành phố về việc Tổng vệ sinh toàn Thành phố vào 6h30' thứ Bảy hàng tuần; bài trừ mọi hủ tục mê tín, cờ bạc, ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe, bẻ cành, phá hoại cây trồng.

Tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp tết tới các đối tượng chính sách xã hội, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách;

[...]