Báo cáo 01/BC-BTP về tổng kết công tác tư pháp năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2017 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/BC-BTP
Ngày ban hành 03/01/2017
Ngày có hiệu lực 03/01/2017
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/BC-BTP

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2017

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2016 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC NĂM 2017

Năm 2016, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021... Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn dự báo; tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh; ở trong nước, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển,… đã kéo theo những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế nước ta, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất và đời sống người dân. Nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ với chủ trương xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đã đạt được những kết quả tích cực.

Đối với công tác tư pháp, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tập trung chỉ đạo 10 nhóm nhiệm vụ lớn, với 112 đầu nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ, Ngành Tư pháp cùng với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước.

Tổng kết công tác tư pháp năm 2016, toàn Ngành nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác tư pháp năm 2017.

Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2016

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Kết quả

Năm 2016, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành tiếp tục bám sát với công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác tư pháp/pháp chế của cơ quan, địa phương.

- Bộ, Ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ gắn với các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, như: (1) Triển khai Nghị quyết và các Văn kiện do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII qua việc phổ biến Văn kiện và xây dựng các chương trình, kế hoạch để từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, định hướng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; về chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật được nêu trong Văn kiện; (2) Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ, Ngành Tư pháp đã tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đến các tầng lớp nhân dân, qua đó, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.

- Trên cơ sở các công việc trọng tâm theo yêu cầu mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành đã kịp thời bám sát và hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới theo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ nhiệm kỳ mới về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, kiên quyết loại bỏ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch. Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ với nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Đối với việc tổ chức các cuộc họp, Bộ, Ngành Tư pháp đã có nhiều đổi mới, như: tăng cường hội nghị trực tuyến, giảm thời gian các buổi họp, qua đó giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí, mở rộng thành phần dự họp. Đặc biệt, thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả, chất lượng, giảm thiểu số lượng cuộc họp, các chuyến công tác địa phương không cần thiết, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trong đó đã thực hiện rà soát, lồng ghép và cắt giảm khoảng 20% số hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các chuyến công tác địa phương trong năm 2016 so với đề xuất ban đầu của các đơn vị.

- Nhằm tăng cường phối hợp và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác, Bộ Tư pháp đã chủ động, cùng tổ chức các hội nghị với một số Bộ, ngành. Trong những tháng cuối năm 2016, Bộ đã tổ chức làm việc, báo cáo công tác và xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp với Ban Nội chính Trung ương; tổ chức làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và ban hành các Kết luận liên ngành. Qua đó, tăng cường mối quan hệ công tác không chỉ ở Trung ương, mà còn giúp cho các cơ quan tư pháp ở địa phương thuận lợi hơn trong việc phối hợp với các ngành liên quan.

2. Khó khăn, hạn chế

- Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn, trả lời kiến nghị của các đơn vị vẫn còn chậm, các địa phương kiến nghị phải đề xuất nhiều lần, có trường hợp chưa bám sát nội dung kiến nghị.

- Việc kiểm tra công tác ở địa phương còn chồng chéo về nội dung, địa bàn; yêu cầu các địa phương báo cáo còn nhiều; việc tổ chức các hội nghị, hội thảo còn tập trung nhiều vào những tháng cuối năm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian giải quyết công việc chung.

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

1.1. Kết quả

Thể chế cho công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất và kịp thời với việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2016, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL là những lĩnh vực được xác định trọng tâm hàng đầu của Bộ, Ngành Tư pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

a) Công tác xây dựng VBQPPL

- Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 luật1, nghị quyết; (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 luật và cho ý kiến với 03 luật khác), trong đó có những dự án luật quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

- Đối với công tác xây dựng VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, ngành: Các Bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.087 văn bản (tăng 84 văn bản so với năm 2015), trong đó có 144 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh (61 nghị định, 03 quyết định, 72 thông tư, 8 thông tư liên tịch) và chùm 50 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực thi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hàng tháng, Bộ Tư pháp đều phối hợp với các Bộ, ngành quyết tâm giảm nợ đọng VBQPPL thông qua việc đôn đốc hoặc tổ chức làm việc với các Bộ, ngành nợ đọng nhiều; có báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trình Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ. Nhờ đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước (giảm 21 văn bản so với năm 2015), đặc biệt, số văn bản nợ đọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây (hiện chỉ còn nợ 02 văn bản).

- Tại các địa phương, đã ban hành 4.036 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 795 văn bản so với năm 2015); 5.968 VBQPPL cấp huyện (giảm 12 văn bản so với năm 2015).

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ