Thông báo 160/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 160/TB-VPCP
Ngày ban hành 24/03/2017
Ngày có hiệu lực 24/03/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Lê Mạnh Hà
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2016 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA

Ngày 09 tháng 3 năm 2017, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, sơ kết công tác quý 1 năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Tham dự Hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương. Sau khi nghe Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo kết quả công tác năm 2016, sơ kết quý 1 năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết luận như sau:

Trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội và các Hiệp hội ngành, nghề, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân. Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có chuyển biến tích cực, căn bản hơn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng quán triệt, thực hiện nghiêm, có kết quả các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; phải thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác này, xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để đưa ra giải pháp, biện pháp khắc phục kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

1. Phân tích, đánh giá những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, về địa bàn, mặt hàng trọng điểm (biên giới phía Bắc, Tây Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, mặt hàng thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống...), về phương thức, thủ đoạn, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác, phối hợp lực lượng đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng khi đấu tranh với các đối tượng manh động nhưng không có lực lượng phối hợp, hỗ trợ,... từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, thực chất và bài bản, kiên quyết ngăn chặn, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá trốn thuế.

2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý kéo dài, nghiêm trọng; có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện đúng công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ rõ các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, phê bình, nêu gương người tốt, việc tốt.

4. Tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, các địa bàn đông dân cư; kiên quyết xóa bỏ tình trạng hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả được vận chuyển, tàng trữ, phân phối, bày bán công khai.

5. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

6. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý; về chính sách thương mại biên giới, phải xem xét điều chỉnh cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch để tiến tới tập trung vào xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch. Tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu chống hàng giả, chống vi phạm sở hữu trí tuệ, xác định nhiệm vụ chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

7. Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ động thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó tập trung:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 32/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Trưởng Ban về việc ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, củng cố tổ chức, biên chế, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Bổ sung, đề xuất bổ sung phương tiện chuyên dùng, trang thiết bị làm việc cho các lực lượng chức năng, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

b) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật phù hợp, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách, quy luật cung cầu để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, nhất là về chính sách hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, việc kinh doanh các mặt hàng thuốc lá, xăng dầu, ô tô, rượu ngoại...

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa Ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều phối công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thể hiện rõ mối quan hệ giữa Văn phòng Thường trực với các Thành viên Ban Chỉ đạo, với cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.

8. Về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:

a) Chú trọng công tác tham mưu, tổng hợp, nhất là việc đề xuất hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ. Không làm thay nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đề xuất thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.

c) Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các vụ việc nghiêm trọng được dư luận quan tâm để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời.

d) Định kỳ 03 tháng họp với đại diện các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và một số địa phương trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

9. Các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực phản ánh, đưa tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, về hành vi tiêu cực của các cá nhân, tổ chức nhất là đối với những người đang thực thi công vụ, đảm bảo trung thực, chính xác, kịp thời.

10. Về kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương: Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp, đề xuất xử lý; báo cáo Trưởng Ban trong tháng 3 năm 2017.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, các PTTg (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bô, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Nội chính Trung ương;
- UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Thành viên BCĐ 389 quốc gia;
- Các cơ quan, đơn vị: BTL Bộ đội Biên phòng, BTL Cảnh sát biển, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cục Quản lý thị trường;
- Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, PL, NC, KGVX, TH;
- Lưu: VT, V.I(3). ĐVD.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà