Báo cáo 92/BC-UBDT năm 2017 tình hình công tác dân tộc, chính sách dân tộc địa bàn 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 92/BC-UBDT
Ngày ban hành 12/07/2017
Ngày có hiệu lực 12/07/2017
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Nông Quốc Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2017

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC DÂN TỘC, CHÍNH SÁCH DÂN TỘC ĐỊA BÀN 10 TỈNH KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Địa bàn 10 tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Vụ Địa phương II theo dõi) gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích đất tự nhiên là 83.760,80 km2; đơn vị hành chính gồm: 12 thành phố trực thuộc tỉnh, 08 thị xã và 103 huyện, có 1.568 đơn vị cấp xã (trong đó, có 1.292 xã, 183 phường, 93 thị trấn). Toàn vùng có 3.076 thôn đặc biệt khó khăn, 337 xã khu vực 111, 479 xã khu vực II và 264 xã khu vực I (Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Có 15 huyện nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (huyện 30a) và 07 huyện nghèo hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 15/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ (huyện 30b). (Phụ Lục 1).

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ AN NINH CHÍNH TRỊ

1. Tình hình sản xuất và đời sống

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình sản xuất và đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tương đối ổn định. Sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, năng suất vụ lúa đông xuân 2016-2017 đều tăng so với vụ đông xuân trước1. Hiện nay, các địa phương đã gieo trồng các loại hoa màu vụ hè thu và tiếp tục chăm sóc các loại cây công nghiệp lâu năm (cà phê, hồ tiêu, điều ...). Tuy nhiên, ở một số nơi do thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho các loại nấm, sâu bệnh hại phát triển gây thiệt hại nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn2; giá cả một số mặt hàng nông sản và giá heo hơi giảm mạnh, khó khăn trong sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, liên tiếp xảy ra các trận mưa to kèm lốc xoáy đã làm thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản và diện tích hoa màu của người dân trên địa bàn3.

Công tác phát triển rừng được các địa phương quan tâm đang tích cực triển khai thực hiện, riêng các tỉnh Tây Nguyên được Bộ NN&PTNT giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2017: trồng 12.559 ha rừng tập trung, trồng 4.669 ha rừng thay thế, chăm sóc 21.581 ha rừng trồng, khoán bảo vệ 221.232 ha rừng, bảo vệ 212.744 ha rừng đặc dụng, khoanh nuôi tái sinh 12.505 ha rừng, trồng cây phân tán 4,57 triệu cây. Công tác quản lý và bảo vệ rừng tuy được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, song tình trạng chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy, vi phạm lâm luật vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại các tỉnh KonTum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Quảng Ngãi4 đến thời điểm tháng 5 đã có 327 vụ chặt phá rừng với 178,16 ha rừng bị tàn phá.

2. Về văn hóa - xã hội

Dịp Tết Đinh Dậu, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã tổ chức đi thăm hỏi, động viên chúc tết tặng quà cho các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng bào DTTS nghèo, người có uy tín và tổ chức đón tết cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng bào các dân tộc trong khu vực đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi ở hầu khắp các địa phương, mừng Đảng, mừng xuân, mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước. Chào mừng 71 năm Ngày truyền thống của cơ quan làm công tác dân tộc (03/5/1946 - 03/5/2017), cơ quan công tác dân tộc các địa phương tổ chức tọa đàm ôn lại truyền thông vẻ vang của ngành. Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đăng cai tổ chức Hội thao chào mừng ngày truyền thống của Ngành, tham gia có các đoàn của 10 Ban Dân tộc thuộc khu vực Tây Nguyên, Miền Trung và Đông Nam bộ

Chính sách về giáo dục và đào tạo được các địa phương quan tâm thực hiện đầy đủ, các chế độ cho giáo viên và học sinh được thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Hệ thống trường PTDTNT, PTDT bán trú từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh được đảm bảo. Số học sinh, sinh viên là đồng bào DTTS đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng. Cùng với toàn ngành, các trường dân tộc nội trú chuẩn bị xét, thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được các địa phương quan tâm thực hiện, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đào tạo nghề cho 9.8115 học viên. Riêng tỉnh Quảng Nam hiện có 407 lao động hoàn thành chương trình đào tạo, trong đó 269 lao động được bàn giao cho doanh nghiệp.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS nghèo và người nghèo vùng sâu, vùng khó khăn được quan tâm thực hiện thường xuyên; hỗ trợ và cấp phát thẻ BHYT cho đồng bào DTTS nghèo được kịp thời6 thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở. Công tác tuyên truyền phòng chống các loại dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS được tăng cường, nhằm hạn chế thấp nhất các dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng, thủy đậu ... vẫn xảy ra tại một số địa phương7. Riêng tỉnh Quảng Nam dịch bệnh Bạch hầu đã làm 03 người DTTS tử vong.

Công tác xóa đói giảm nghèo được các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm giảm khoảng từ 2-3%, trong đó điển hình như tỉnh Lâm Đồng giảm 4,32%, Phú Yên giảm từ 4-5%. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của toàn vùng thì tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn cao, đặc biệt là tại các tỉnh Kon Tum chiếm 92,81%; Bình Định 75,33%; Khánh Hòa chiếm 57,9%; Quảng Ngãi chiếm 51,46%; Đăk Nông chiếm 40,39% .

3. Về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS khu vực Miền Trung - Tây Nguyên ổn định Các tổ chức tôn giáo truyền thông hoạt động bình thường tuân thủ theo quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình, tăng cường công tác tuần tra tại cơ sở, vùng biên, đặc biệt là vào các ngày cao điểm, ngày lễ, tết để giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, tình hình vượt biên vùng đồng bào vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, Fulro lưu vong vẫn chưa từ bỏ ý định chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước ta; tình hình người DTTS Tây Nguyên vượt biên tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra, hiện nay số người DTTS vượt biên đang ở nước ngoài là 408 người (trong đó 68 người ở Camphuchia, 340 người ở Thái Lan); Hoạt động tà đạo “Hà Mòn” tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra, một số đối tượng cốt cán trốn trong rừng vẫn thường xuyên liên lạc, tuyên truyền củng cố niềm tin vào “Đức Mẹ”, hiện nay còn 93 trường hợp trên địa bàn của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lăk còn tin theo đạo Hà Mòn.

4. Về dân di cư tự do

Tình hình dân di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên tuy đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn các huyện M’Drắk, Krông Bông, tỉnh ĐắkLắk nhiều hộ đồng bào (chủ yếu là người Mông) bán hết tài sản, ruộng đất đi ra khỏi địa phương không rõ nguyên nhân; địa bàn huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng hiện còn 502 hộ với 2.584 khẩu dân di cư tự do (chủ yếu là người Mông, Dao) chưa được bố trí ổn định, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội gặp khó khăn do công tác quản lý phức tạp, giao thông đi lại khó khăn.

III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

1. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện

Các cấp, các ngành Trung ương và địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các chính sách, tạo bước chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách của Trung ương ban hành, các địa phương đã ban hành các chính sách thực hiện trên địa bàn ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của khu vực

2.1. Các chương trình, chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc quản lý

- Chương trình 135 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020:

Năm 2016, 10 tỉnh trong khu vực được được đầu tư 445 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, xã an toan khu8 và có /14 thôn, bản9 ĐBKK thuộc xã khu vực II, với tổng vốn là 714.857 triệu đồng, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng công trình và nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, kết quả thực hiện và giải ngân đến 31/12/2016 đạt trên 90% kế hoạch. Các hạng mục công trình được đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển sản xuất ... đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên do nguồn vốn phân bổ chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Thực hiện Chương trình 135 năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã có Công văn số 130/UBDT-VP135 ngày 22/02/2017 hướng dẫn các tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ngày 10/5/2017, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban ban hành Thông tư số 01/2017/TT- UBDT hướng dẫn thực hiện Chương trình 135, xây dựng phương án phân bổ vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len cho các xã ĐBKK thuộc Chương trình; tăng cường công tác truyền thông về CT 135; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Kế hoạch phân bổ vốn năm 2017 và dự kiến phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2018-2020; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các Thông tư quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2016-2020; Thông tư quy định thực hiện dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2016-2020. Tổng hợp, xác định danh mục xã, thôn và dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã, Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ