Báo cáo 1733/BC-BYT năm 2022 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1733/BC-BYT
Ngày ban hành 23/12/2022
Ngày có hiệu lực 23/12/2022
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1733/BC-BYT

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2022

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
(Tài liệu họp Ban Chỉ đạo Quốc gia - Phiên họp lần thứ 19)

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19

1. Tính đến ngày 19/12/2022, thế giới đã ghi nhận trên 657 triệu ca mắc và hơn 6,6 triệu ca tử vong. Ngày 14/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do COVID-19 hàng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao và Ủy ban Khẩn cấp về dịch COVID-19 thuộc WHO dự kiến sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của Ủy ban vào tháng 1/2023[1].

2. Tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến ngày 19/12/2022, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,1%) và hơn 43.100 ca tử vong (0,37%). 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 12.008 ca mắc mới (giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó), 11 ca tử vong (tăng 2 ca).

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

1. Công tác chỉ đạo điều hành

1.1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19; chỉ đạo tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

1.2. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Chính phủ đã có báo cáo số 476/BC-CP ngày 07/12/2022 gửi Quốc hội về việc đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

- Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng: (1) Báo cáo Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; (2) Tổ chức tổng kết kết quả triển khai chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới “Hành trình an toàn”; (3) Xây dựng khung báo cáo và dự thảo nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, kết hợp với đánh giá 3 năm công tác phòng, chống dịch COVID-19; (4) Tiếp tục hoàn thiện phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và (5) Xây dựng hướng dẫn và văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết năm 2023.

- Duy trì tổ chức họp trực tuyến hàng tuần với các địa phương để đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp đẩy nhanh việc tiêm vắc xin; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin.

- Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng, ban hành và triển khai Kế hoạch tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[2]. Bộ Y tế, Bộ Công an và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp thúc đẩy triển khai Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19, rà soát dữ liệu tiêm chủng.

2. Công tác y tế

2.1. Tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; ban hành, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật[3]; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu dung, điều trị. Bộ Y tế đã ban hành công điện số 1669/CĐ-BYT ngày 12/12/2022 đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch.

2.2. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Nghị Quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng trang thiết bị y tế; ban hành các hướng dẫn về quản lý, quy định danh mục và tăng cường cấp số lưu hành trang thiết bị y tế[4].

2.3. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

2.3.1. Về tình hình tiếp nhận và phân bổ vắc xin phòng COVID-19

Đến ngày 19/12/2022, tổng số vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận là 259.374.774 liều và đã phân bổ toàn bộ số vắc xin này với 183 đợt phân bổ, trong đó: Vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là 238.837.874 liều[5] (viện trợ cho Lào 500.000 liều vắc xin AstraZeneca); Vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 20.536.900 liều[6].

Nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 của các địa phương thay đổi liên tục. Căn cứ đề xuất nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 tháng 11/2022 của các địa phương, Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã phân bổ 489.900 liều vắc xin Pfizer hạn dùng 30/11/2022 tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên cho các địa phương để triển khai tiêm chủng (Quyết định phân bổ ngày 11/11/2022). Tuy nhiên, một số địa phương không tiếp nhận số vắc xin được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận/ điều chuyển vắc xin trong khi tỷ lệ tiêm chủng mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi còn thấp (Chi tiết tại phụ lục 6).

2.3.2. Tiến độ tiêm chủng

- Tính đến hết ngày 18/12/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được 265.168.684 liều vắc xin phòng COVID-19:

+ Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%;

+ Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 80,0% và 86,8%;

+ Tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 68,5%;

+ Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,3% và 72,0%.

[...]