Báo cáo 353/BC-CP năm 2022 đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 353/BC-CP
Ngày ban hành 28/09/2022
Ngày có hiệu lực 28/09/2022
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 353/BC-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2022

 

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 NGÀY 28 THÁNG 7 NĂM 2021 KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV VỀ CÁC CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

Kính gửi: Quốc hội

Thực hiện quy định tại điểm 3.8 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 30), Chính phủ trân trọng báo cáo Quốc hội việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

BỐI CẢNH XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 CỦA QUỐC HỘI

Dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan của đợt dịch sau phức tạp hơn đợt dịch trước.

Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27 tháng 4 năm 2021, với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Số ca mắc và tử vong tăng cao, chiếm hơn 99% tổng số của 3 đợt dịch trước đó. Trong giai đoạn này, dịch bệnh đã bùng phát mạnh, kéo dài trên diện rộng, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt đã làm cho rất nhiều người tử vong, đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân trên phạm vi toàn quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, trong thời gian dài, áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Thực tiễn dịch bệnh trong giai đoạn này là chưa có tiền lệ, số ca mắc, ca nhập viện tăng cao ở rất nhiều địa phương. Các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách hiện hành trong thời kỳ này chưa bao phủ, chưa lường hết các diễn biến của dịch bệnh... Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm chẩn đoán (tét kít xét nghiệm), vắc xin... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước... Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở trong nhiều năm chưa được đầu tư thoả đáng, năng lực ứng phó, xử lý dịch bệnh đặc biệt tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Triển khai chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Đồng chí Tổng Bí thư, Lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật, trong đó đã lần đầu tiên áp dụng các biện pháp chưa từng có trong tiền lệ, các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho tính mạng, sức khỏe Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, để ứng phó kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian trước khi ban hành Nghị quyết, đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, trong đó có nhiều biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc ban hành Nghị quyết số 30 thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, sự đoàn kết, thống nhất cao của các cơ quan Nhà nước và cả hệ thống Chính trị, được Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước tích cực ủng hộ và thực hiện; tạo cơ sở pháp lý kịp thời cho việc quyết định, áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả phòng, chống dịch và tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

PHẦN THỨ HAI

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 30

I. Áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30

1. Áp dụng các biện pháp hạn chế 1 trong phòng, chống dịch

- Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 (viết tắt là Nghị quyết số 86/NQ-CP) đã được Chính phủ nhanh chóng ban hành, tiếp đó là nhiều chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia.

- Các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly, giãn cách xã hội:

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại một số địa phương, tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Khi dịch bùng phát mạnh trên diện rộng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, thực hiện Nghị quyết số 30, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường giãn cách xã hội với phương châm “xây dựng mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, bảo đảm các yêu cầu về y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho Nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn; tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, của các địa phương để hỗ trợ, chi viện kịp thời cho các địa phương có dịch và có nguy cơ cao bùng phát mạnh. Đặc biệt, tại các tỉnh giãn cách xã hội, lần đầu tiên Chính phủ chỉ đạo xây dựng các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, đây là giải pháp đột phá, có hiệu quả cao giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm thiểu các ca tăng nặng và tử vong. Chính phủ đã chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, kết hợp hài hoà giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất với phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các biện pháp phòng, chống dịch đã được áp dụng cơ bản đúng hướng, kịp thời và hiệu quả.

Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã: (1) ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các biện pháp kiểm soát, giải quyết các vướng mắc phát sinh do ảnh hưởng của dịch trong các hoạt động đi lại, làm việc, học tập, sản xuất, kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính, tư pháp, dân sự... của người dân, doanh nghiệp; (2) chủ động, linh hoạt bám sát tình hình và quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.2 Các địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần các Chỉ thị số 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại một số địa bàn với một số biện pháp tương tự như trong tình trạng khẩn cấp.

- Về tổ chức các lực lượng tuyến đầu: Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế đã huy động lực lượng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quản lý, bảo đảm an sinh, an toàn trật tự xã hội và hỗ trợ triển khai công tác y tế tới tận xã, phường, thị trấn; bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Lần đầu tiên trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã huy động một lực lượng lớn quân đội và công an tham gia phòng, chống dịch nhất là tại tuyến đầu.

Riêng trong đợt dịch thứ 4, đã huy động, điều động gần 300.000 lượt cán bộ y tế, quân đội3, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Trong đó, ngành y tế đã huy động gần 20.000 cán bộ, lực lượng quân đội huy động hơn 133.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, trong đó có hơn 9.000 cán bộ nhân viên y tế, lực lượng công an huy động hơn 126.000 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ, tham gia phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương; huy động lực lượng y tế trung ương và 12 tỉnh, thành phố hỗ trợ công tác phòng chống dịch Thành phố Hà Nội... lực lượng quân y đã hỗ trợ và triển khai 13 bệnh viện dã chiến và cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với 6.450 giường bệnh, 660 trạm y tế lưu động, 510 tổ tiêm vắc xin, 1.000 tổ lấy mẫu xét nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh... Các lực lượng hỗ trợ cùng với lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch4.

Các biện pháp trên đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn tốc độ gia tăng của đợt dịch thứ 4, tiến tới kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc, đưa xã hội về “tình trạng bình thường mới.”.

Riêng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp5: Chính phủ chưa triển khai do đánh giá tình hình thực tế chưa đến mức phải áp dụng các biện pháp này.

2. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 02 Nghị quyết6, Chính phủ đã ban hành 01 Nghị quyết và 02 Nghị định7, Bộ Y tế đã ban hành 02 Thông tư8 để quy định các biện pháp và tổ chức triển khai thực hiện.

Nghị quyết số 86/NQ-CP đã đề ra các giải pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách: (1) Áp dụng một số biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp; (2) Việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng COVID-19 giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm được thay thế bằng giấy tờ pháp lý khác; (3) Thiết lập theo cơ chế đầu tư đặc biệt, rút gọn, miễn các thủ tục về cấp giấy phép hoạt động để kịp thời thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19; (4) Thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị COVID-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc xin và trang thiết bị y tế; (5) Mua sắm được áp dụng các cơ chế đặc biệt so với luật hiện hành.

- Về kết quả áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc xin nhập khẩu:

[...]