Báo cáo 152/BC-BTP về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2009 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 152/BC-BTP
Ngày ban hành 04/08/2009
Ngày có hiệu lực 04/08/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hoàng Thế Liên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 152/BC-BTP

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2009

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009

Ngành Tư pháp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2009 trong bối cảnh có những thuận lợi: thể chế, bộ máy của Ngành được kiện toàn một bước; chức năng, nhiệm vụ được mở rộng; vai trò, vị thế của Ngành trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao; sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương ngày càng được tăng cường; những nỗ lực, đóng góp của Ngành vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước trong thời gian qua được Chính phủ ghi nhận và đánh giá tích cực[1]. Bên cạnh đó, năm 2009 cũng đặt ra cho ngành Tư pháp nhiều khó khăn, thách thức: khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế nước ta tiếp tục tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế, tạo thêm khó khăn mới cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ máy nhà nước nói chung và của ngành Tư pháp nói riêng; Ngành phải triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới, phức tạp, đặc biệt là công tác thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, chống suy giảm kinh tế, trong khi quá trình hội nhập và phát triển của đất nước đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tư pháp.

Trong bối cảnh đó, toàn Ngành đã quyết tâm triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, chú trọng thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2009 với các nội dung: 1) triển khai thực hiện tốt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật; 2) tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác THADS; 3) nâng cao chất lượng hoạt động chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; 4) tăng cường năng lực của các cơ quan bổ trợ tư pháp, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; 5) Tiếp tục lộ trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính; 6) kiện toàn tổ chức, cán bộ của Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; tạo chuyển biến thực sự về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, nhất là đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp; thành lập Trường Trung cấp luật; 7) tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh việc phân cấp trong một số lĩnh vực hoạt động, hướng mạnh về cơ sở.

Qua 6 tháng thực hiện nhiệm vụ, nhiều mặt công tác đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả cụ thể, góp phần tích cực hình thành và từng bước khẳng định "thương hiệu" của ngành Tư pháp trong đời sống xã hội, nhất là trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, việc triển khai một số mặt công tác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kết quả chưa cao như thi hành án dân sự, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... Trong khuôn khổ của việc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2009, Báo cáo này tập trung đánh giá sâu kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ rõ những khó khăn, bất cập và phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục để hoàn thành tốt kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm.

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2009

1. Quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật

Kết quả đạt được:

- Tích cực tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2009[2]. Năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tổ chức, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, Bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ Báo cáo số 128/BC-BTP về tình hình soạn thảo và trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ đến hết tháng 6/2009; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng Báo cáo số 114/BC-CP về kiểm điểm công tác xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh, trình Chính phủ (thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2009), qua đó đánh giá đúng thực trạng, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém để nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ công tác xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

- Công tác xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội có chuyển biến tích cực; Bộ đã kịp thời, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để xây dựng, hoàn thành, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.

- Tham mưu cho Chính phủ kịp thời hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008[3]; có kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 636/CT-TTg ngày 20/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp thi hành luật; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tập huấn về công tác xây dựng và đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật. Việc triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bước đầu đạt kết quả tốt.

- Chú trọng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong công tác xây dựng đề án, văn bản[4]; một số dự án Luật do Bộ chủ trì soạn thảo (Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) đã được Quốc hội thông qua; đưa những nội dung cơ bản của dự án Luật đăng ký bất động sản vào Luật sửa đổi, bổ sung một số luật về đầu tư, xây dựng, được Quốc hội chấp thuận; trình Chính phủ cho ý kiến dự án Luật Nuôi con nuôi, Luật Tiếp cận thông tin; xây dựng trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị liên quan đến các mặt hoạt động của Ngành.

- Một số Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động trong việc tham mưu, giúp UBND thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực ở địa phương, qua đó góp phần tăng thêm uy tín của Sở Tư pháp với chính quyền địa phương (Đồng Tháp)[5].

- Chất lượng thẩm định đề án, văn bản có chuyển biến tích cực; việc thẩm định các điều ước quốc tế nhìn chung đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; ý kiến thẩm định, góp ý của tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương được nhiều Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đánh giá cao; nhiều tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương thực sự trở thành bộ phận tham mưu, chỗ dựa đáng tin cậy cho các Bộ, ngành, HĐND, UBND trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

- Tích cực kiểm tra và kịp thời kiến nghị xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật[6]; thí điểm tổng rà soát VBQPPL tại một số Bộ, ngành và địa phương (Tp. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bộ Tài nguyên & Môi trường).

- Xây dựng Đề án triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật.

Hạn chế, bất cập:

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 chưa toàn diện, tính thực tiễn chưa cao, chưa có ưu tiên hợp lý trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội. Nội dung Chương trình chủ yếu được lập trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, chưa thể hiện rõ chính kiến của Bộ Tư pháp dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, dẫn đến nhiều đề án, văn bản phải điều chỉnh, xin rút, ảnh hưởng đến chương trình hoạt động của Quốc hội.

- Tỷ lệ hoàn thành đề án, văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ và liên tịch ban hành đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2008[7]; chất lượng một số đề án, văn bản chưa cao, sau khi trình Lãnh đạo Bộ phải chỉnh sửa nhiều lần.

- Chưa tạo được bước đột phá thực sự về chất lượng thẩm định VBQPPL; tiến độ hoàn thành thẩm định VBQPPL đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2008[8]; chưa ban hành được Thông tư của Bộ về quy chế thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL.

- Việc tiến hành kiểm tra VBQPPL theo địa bàn, theo chuyên đề còn chưa tích cực, hiệu quả.

- Việc triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật còn chậm, nhìn chung mới chỉ dừng lại ở những nét "chấm phá" ban đầu.

- Công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật ở địa phương nhìn chung còn yếu; một số địa phương chưa kịp thời xây dựng, ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2009, chương trình và nội dung cụ thể về công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL; nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý VBQPPL ban hành trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trên thông báo; tình trạng cơ quan có thẩm quyền của địa phương ban hành văn bản nhưng chưa có ý kiến thẩm định vẫn còn; tính phản biện xã hội trong xây dựng văn bản, chất lượng thẩm định, góp ý chưa cao.

- Nhiều Sở Tư pháp chưa làm tốt vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của pháp chế Sở, ngành.

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập:

- Việc đăng ký xây dựng một số văn bản, đề án chưa sát nhu cầu thực tiễn và khả năng thực hiện của đơn vị.

- Một số đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản, đề án chưa chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ (tham mưu thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập chậm; tình trạng chờ đôn đốc mới triển khai nhiệm vụ vẫn còn); điều tra, khảo sát thực tiễn chưa thực sự thấu đáo; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, cũng như với các Bộ, ngành hữu quan chưa thật chặt chẽ; chưa khai thác hết tiềm năng trí tuệ hiện có trong Bộ; một số dự án đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp cả về lý luận và thực tiễn; trình độ, năng lực của một số thành viên các Tổ biên tập còn hạn chế, nhất là về kiến thức thực tiễn.

- Một số cơ quan chủ trì soạn thảo gửi hồ sơ thẩm định VBQPPL còn sai sót về thủ tục, thiếu các tài liệu trong hồ sơ theo quy định, nhất là các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản ở địa phương; nhiều địa phương chưa có cơ chế để cán bộ làm công tác thẩm định được tham gia quá trình soạn thảo văn bản ngay từ ban đầu.

[...]