Công văn số 2315/BTP-THA về việc áp dụng quy định pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2315/BTP-THA
Ngày ban hành 17/07/2009
Ngày có hiệu lực 17/07/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đức Chính
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2315 /BTP-THA
V/v áp dụng quy định pháp luật

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2009

 

Kính gửi:

- Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng,
- Giám đốc Sở Tư pháp,
- Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Luật thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Vì vậy, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Đối với những nội dung Luật Thi hành án dân sự giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, ngày 13 tháng 7 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Trong khi chờ các Nghị định nói trên được ban hành, có hiệu lực pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:

I. VỀ TỔ CHỨC, CÁN BỘ

1. Những quy định tại Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 50/2005/NĐ-CP) không trái với quy định của Luật Thi hành án dân sự vẫn có hiệu lực thi hành cho tới khi có Nghị định mới thay thế. Các quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 20, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 Điều 30 của Nghị định số 50/2005/NĐ-CP không phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự nên kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự

2. Để bảo đảm tính liên tục trong hoạt động và việc thực hiện chế độ, chính sách, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 thực hiện như sau:

a) Những địa phương đã bàn giao công tác tổ chức cán bộ từ Giám đốc Sở Tư pháp sang cho Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thì trước mắt Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tại Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP) và Quyết định số 01/2007/QĐ-BTP ngày 16 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Quy chế uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP (sau đây gọi tắt là Quyết định số 01/2007/QĐ-BTP).

b) Những địa phương chưa bàn giao công tác tổ chức cán bộ từ Giám đốc Sở Tư pháp sang cho Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thì Giám đốc Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền tại Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP và Quyết định số 01/2007/QĐ-BTP cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

c) Trình tự, thủ tục liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn nêu tại Điểm a, Điểm b Mục 2 của Công văn này thực hiện theo quy định của pháp luật và Thông tư số 06/2008/TT-BTP ngày 26 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp.

3. Trong khi chờ Chính phủ quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp, những người đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh, Chấp hành viên quân khu vẫn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Đối với các trường hợp Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh và Chấp hành viên quân khu mà sau ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến thời hạn phải bổ nhiệm lại theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.

4. Đối với trường hợp Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện mà sau ngày 01 tháng 7 năm 2009 phải được xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cho đến khi có hướng dẫn mới.

5. Trong khi chờ quy định mới, Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn, đồng thời phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương quản lý về nhà nước về thi hành án dân sự ở cấp huyện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

6. Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh chuẩn bị các Điều kiện để sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự sẽ tổ chức lễ ra mắt cơ quan thi hành án dân sự. Việc tổ chức lễ ra mắt cơ quan thi hành án dân sự phải bảo đảm trang trọng, tiết kiệm.

II. VỀ THỦ TỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Trong khi Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục, các Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành và có hiệu lực thi hành thì việc áp dụng các quy định về thi hành án dân sự được thực hiện như sau:

- Kể từ ngày 01/7/2009 không áp dụng các văn bản; các Điều, Khoản của văn bản sau đây:

+ Nghị định số 164/2004/NĐ - CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án;

+ Các Điều: Điều 1, Điều 3, Điều 6, Khoản 1 Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 31, Điều 32 của Nghị định số 173/2004/NĐ - CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự;

+ Các Điểm 1.1, 1.2 Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4 Mục I; Khoản 1, Điểm 2.4 Khoản 2, Điểm 3.1 Khoản 3, Điểm 4.1, 4.2, 4.4 Khoản 4, Điểm 5.1, 5.2, 5.3, 5.5 Khoản 5, Điểm 6.1, 6.4, 6.5 Mục II; Mục III của Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC - VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với Khoản tiền phạt, án phí.

- Các quy định khác của pháp luật về thi hành án dân sự không trái với quy định của Luật thi hành án dân sự thì vẫn tiếp tục được áp dụng để giải quyết các vụ việc thi hành án. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã thực hiện xong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật sẽ được Bộ Tư pháp công bố rộng rãi để các địa phương thực hiện.

- Trong khi chờ văn bản quy định về biểu mẫu thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, các địa phương chủ động chỉnh sửa phần căn cứ cho phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Trên đây là một số nội dung chỉ đạo của Bộ Tư pháp, yêu cầu Cục trưởng Cục thi hành án Bộ Quốc phòng, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Công văn này, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (để p/h);
- Toà án nhân dân tối cao (để p/h);
- Bộ trưởng (để b/c); - Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu VT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chính