Nghị định 24/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Số hiệu 24/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 05/03/2009
Ngày có hiệu lực 20/04/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 24/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

LẬP CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH, CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH

Mục 1. LẬP ĐỀ NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

Điều 1. Tập hợp kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể gửi kiến nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (sau đây gọi chung là luật, pháp lệnh) đến bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực bằng văn bản hoặc thông qua Trang thông tin điện tử của các cơ quan này. Trong trường hợp không xác định được địa chỉ cụ thể thì cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp; Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi kiến nghị đến bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.

2. Kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, dự kiến những nội dung chính của văn bản.

3. Cơ quan nhận kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm tập hợp, phân tích, xử lý kiến nghị để chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan mình.

Điều 2. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Chính phủ.

Trong các trường hợp quy định tại Điều 53 Nghị định này, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thể đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ nội dung trong nhiều luật, pháp lệnh.

2. Văn bản được đề nghị ban hành phải dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn;

b) Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề của xã hội và các vấn đề đó cần thiết phải điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật;

c) Bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

d) Phải được đánh giá tác động sơ bộ các chính sách cơ bản và nội dung chính của văn bản;

đ) Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước;

e) Phù hợp với nội dung cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch trở thành thành viên;

g) Các điều kiện bảo đảm thi hành văn bản phải được xác định rõ;

h) Việc ban hành văn bản phải bảo đảm tính khả thi.

Điều 3. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm giao cho đơn vị thuộc cơ quan mình chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm hoặc của cả nhiệm kỳ Quốc hội thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Đơn vị chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đăng tải bản thuyết minh về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản trên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong thời gian ít nhất là 20 (hai mươi) ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến;

[...]
12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ