Báo cáo 15/BC-BTP năm 2014 tổng kết công tác tư pháp năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2014 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 15/BC-BTP
Ngày ban hành 20/01/2014
Ngày có hiệu lực 20/01/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/BC-BTP

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC NĂM 2014

Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; các cân đối lớn được cải thiện; an sinh xã hội được bảo đảm1. Trong những kết quả chung của đất nước, có sự đóng góp ngày càng tích cực của Ngành Tư pháp.

Trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, công tác tư pháp đã được Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả cụ thể. Báo cáo này tập trung đánh giá toàn diện kết quả công tác tư pháp trong năm 2013; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Phần thứ nhất.

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013

I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ

1. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

1.1. Kết quả đạt được

a) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ, cơ quan), HĐND và UBND các cấp xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và tiếp tục tham gia đề xuất ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp, trong năm qua, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, khoa học, huy động được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân vào sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Trong mỗi giai đoạn thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan xây dựng các báo cáo, ý kiến góp ý, đề xuất chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp2. Trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Tổ biên tập của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến, đề xuất hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Qua rà soát, so sánh cho thấy, nhiều ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được tiếp thu trong Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), đặc biệt là các ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và một số nội dung liên quan đến điều ước quốc tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Cùng với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các Sở Tư pháp, cơ quan THADS địa phương tích cực tham gia ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh dự án Luật này, trong đó có những vấn đề liên quan mật thiết với một số lĩnh vực quản lý của Ngành như: công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và bán đấu giá bất động sản. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013).

b) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)

Tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng VBQPPL trong năm 2013 đã được các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2013 được thực hiện nghiêm túc hơn. Trong năm, các Bộ, cơ quan đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 23 luật, pháp lệnh, trong đó có những dự án luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng…, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng một bước quan trọng những yêu cầu cấp thiết của đời sống xã hội. Nhận thức và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã có nhiều chuyển biến. Các Bộ, cơ quan đã chủ động, tích cực trong việc soạn thảo, trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh, từng bước hạn chế việc điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản. Trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo đã chú trọng đến đánh giá tác động của chính sách; thực hiện cơ chế huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013; đã phối hợp với các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt công tác tổng kết thi hành, hoàn chỉnh các dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Để chuẩn bị cho việc xây dựng các dự án luật quan trọng, mang tính “rường cột” của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng đã tổ chức tổng kết, xây dựng định hướng của các dự án luật này và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong năm 2014.

- Công tác xây dựng, ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 23/12/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 123/164 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đạt 75%, đặc biệt là trên 90% số nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực đã được ban hành. Để bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, gắn kết giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp thực hiện (kể từ ngày 01/7/2013). Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc, các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013 và phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tăng cường công tác này.

- Công tác xây dựng VBQPPL ở địa phương tiếp tục có những chuyển biến. Ngay từ đầu năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2013, giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, thẩm định văn bản, qua đó bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản. Năm 2013, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 3.172 VBQPPL đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế - xã hội ở địa phương, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp.

c) Công tác thẩm định VBQPPL

Trong năm 2013, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 8.941 dự thảo VBQPPL. Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định 409 dự thảo VBQPPL, trong đó thẩm định theo thủ tục rút gọn 108 đề án, văn bản thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ. Công tác thẩm định VBQPPL đã có nhiều đổi mới trong quy trình, cách thức thẩm định, có đổi mới mang tính đột phá như việc tổ chức thẩm định “chùm” hơn 50 nghị định về XLVPHC thông qua cơ chế hội đồng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng thẩm định. Việc thẩm định theo cơ chế nội bộ của các tổ chức pháp chế đối với các dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã được chú trọng hơn, góp phần nâng cao chất lượng các thông tư, thông tư liên tịch. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL của Bộ, đồng thời chỉ đạo xây dựng cơ chế bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra VBQPPL.

Việc thẩm định các văn bản VBQPPL ở các địa phương cũng đã đi vào nền nếp. Trong năm 2013, các cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 7.610 văn bản. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh trước khi ban hành đều được gửi Sở Tư pháp thẩm định; các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp được chính quyền địa phương đánh giá cao, làm cơ sở xem xét ban hành văn bản.

1.2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

a) Hạn chế, yếu kém

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn phải điều chỉnh; tình trạng xin lùi, xin rút vẫn chưa được khắc phục triệt để3. Chất lượng một số dự án còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu hoặc chưa được giải trình kỹ lưỡng.

- Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là tình trạng chậm ban hành, nợ đọng thông tư, thông tư liên tịch chiếm tỷ lệ cao4.

- Vẫn còn tình trạng văn bản của một số Bộ, cơ quan được ban hành nhưng không khả thi, xa rời thực tiễn, chồng chéo giữa các văn bản, thậm chí cá biệt có trường hợp gây bức xúc trong xã hội. Việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng còn hạn chế.

- Chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện một bước nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý. Việc đánh giá tác động của chính sách khi đề xuất đưa vào chương trình và trong quá trình soạn thảo chưa thực chất, có biểu hiện hình thức, đối phó, ảnh hưởng đến chất lượng, tính khả thi, hợp lý của văn bản; một số quy định về thủ tục hành chính chưa được kiểm soát chặt chẽ.

b) Nguyên nhân

- Số lượng luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh năm 2013 là rất lớn, đặc biệt là nhiều văn bản có nội dung phức tạp, cần nhiều thời gian, nguồn lực để thực hiện, tạo sức ép công việc rất lớn cho các Bộ, cơ quan.

[...]