Nghị quyết 67/2013/QH13 tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

Số hiệu 67/2013/QH13
Ngày ban hành 29/11/2013
Ngày có hiệu lực 29/11/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 67/2013/QH13

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 405/BC-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ, Báo cáo số 62/TANDTC-KHXX ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 2986/VKSTC-V8 ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7 năm 2013; Báo cáo thẩm tra số 2081/BC-UBPL13 ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban pháp luật và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

Nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Trong thời gian qua, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết triển khai thi hành chưa kịp thời; việc tuyên truyền, phổ biến còn hình thức; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; có trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết cả nội dung không được giao trong luật.

Mặc dù Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết để chấn chỉnh, thúc đẩy công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng công tác này vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt, những hạn chế, bất cập vẫn chưa được khắc phục. Tình hình trên đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Việc này cần được đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm và có biện pháp khắc phục để tình trạng này không tái diễn trong thời gian tới.

Quốc hội thấy rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật không nghiêm; chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và với các cơ quan của Quốc hội chưa tốt; một số luật, pháp lệnh còn quy định nguyên tắc, để lại nhiều nội dung giao quy định chi tiết; nguồn lực cho công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được bảo đảm đầy đủ.

Điều 2

1. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các việc sau đây nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt công tác này trong năm 2014 và các năm tiếp theo:

a) Rà soát tất cả các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 để xây dựng, ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm trễ nêu trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2014);

b) Thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, tính khả thi của luật, pháp lệnh, nghị quyết; hạn chế thấp nhất việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, chỉ giao quy định chi tiết đối với nội dung quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật hoặc vấn đề chưa có tính ổn định cao, nhưng phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết; bảo đảm văn bản quy định chi tiết được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết;

c) Thường xuyên đôn đốc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện; kịp thời phát hiện, làm rõ nguyên nhân; tự xem xét đánh giá trách nhiệm của mình khi chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc tổ chức triển khai thi hành pháp luật và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; xác định đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan;

d) Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hữu quan trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của cơ quan, tổ chức mình;

đ) Chính phủ bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật;

e) Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; bảo đảm luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực phải được thi hành không phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

2. Quốc hội yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:

a) Tăng cường trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, xác định rõ nội dung quy định chi tiết là nội dung quan trọng trong thẩm tra, chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản.

Đối với dự án, dự thảo văn bản vi phạm thời hạn trình, quy trình, thủ tục soạn thảo hoặc có nội dung cần quy định chi tiết nhưng không có dự thảo văn bản trình kèm theo hoặc có dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhưng không bảo đảm chất lượng, có nội dung chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, tính khả thi thì Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đưa vào chương trình xem xét;

b) Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đẩy mạnh công tác giám sát việc triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực do Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực được phân công. Hằng tháng, có báo cáo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản thuộc trách nhiệm của mình gửi Uỷ ban pháp luật để tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội;

c) Ủy ban pháp luật của Quốc hội chịu trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; chủ trì phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội giám sát, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Điều 3

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết này và định kỳ hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát thực hiện Nghị quyết này.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ